ClockThứ Ba, 31/01/2017 21:20

Tết đoàn viên

TTH - Thực sự thì anh cũng không rõ lắm ý nghĩa của việc treo giấy màu xung quanh bàn thờ. Hồi cha còn sống, anh cũng chưa từng hỏi.

1. Anh ngồi lặng lẽ trong gian nhà giữa xếp những tờ giấy màu để treo quanh bàn thờ. Đây là nếp quen của những gia đình ở vùng quê bán sơn địa nghèo này. Thỉnh thoảng anh ngước nhìn lên chiếc bàn gỗ kê giữa nhà. Bốn chiếc ghế xếp ngay ngắn. Im lìm. Bộ ly chén uống trà nguội lạnh. Như mọi năm, người cha già mù lòa của anh chắc đang ngồi ở cái ghế bên trái gần cửa ra vào, vừa nhâm nhi trà, vừa lắng tai nghe mọi động tĩnh. Chốc chốc nghe gì vui ông sẽ cười giòn, lộ hai hàm răng ố vàng vì trà thuốc bao nhiêu năm trời. Nhưng năm nay khác. Ông đã về đoàn tụ với mạ anh dưới ấy. Anh bất giác nghĩ, không biết dưới ấy, cha mạ anh có ngồi xếp giấy màu mỗi khi tết đến không nhỉ?

Thực sự thì anh cũng không rõ lắm ý nghĩa của việc treo giấy màu xung quanh bàn thờ. Hồi cha còn sống, anh cũng chưa từng hỏi. Giờ anh mới nghiệm ra mình lúc nào cũng bận rộn. Nhỏ thì bận phụ mạ đồng áng, lợn gà. Lớn lên một chút bận chuyện sách vở. Đến khi buộc phải nghỉ học giữa chừng (cho hai đứa em còn lại đi học), anh bận lên rừng vác gỗ thuê. Rồi bận đi phụ hồ. Thêm một đoạn nữa thì vào bộ đội. Rồi tiếp tục đi học. Làm đoàn thanh niên. Rồi lại đi học. Giờ lại bận công tác chính sách của xã. Đấy, quãng đời phía trước đến bây giờ nó cứ túi bụi với một chữ “bận” như thế, hiếm khi có được thời khắc như buổi chiều này mà ngồi ngẫm nghĩ.

Bác cả ở trong rẫy vẫn chưa ghé nhà. Nhà, tức là nhà lớn, nơi vợ chồng anh và hai đứa con đang ở. Anh lo liệu coi sóc bàn thờ. Công việc giỗ chạp đám xá đều dồn về nhà lớn. Vợ chồng bác cả coi sóc nương rẫy mà ngày xưa người cha - bộ đội phục viên (lúc ấy chưa mù) và người mẹ - đứa con làng biển - cùng với mấy anh em anh cùng nhau khai phá. Vợ chồng chú ba cũng ở trong rẫy. Thím ở nhà lo cái tiệm tạp hóa bán đồ lặt vặt. Chú ba làm công nhân ở Vũng Áng. Giờ này chắc chú ba cũng chưa về. Tối qua gọi điện, thấy chú bảo đang nán lại chờ lấy lương. Công ty nợ lương suốt, đến là phiền não. “Không có tiền, về lấy gì mà tết nhất?”. Chú ba thở dài bảo vậy. Nhưng nhớ nhất vẫn là o út. Nhà 4 anh em, mình o con gái, giờ lấy chồng trong Huế. Năm thì mười họa mới về thăm nhà. Lần nào o cũng bận. Anh cũng buồn nhưng thông cảm, vì anh cũng là dân công chức, anh hiểu có muôn vàn thứ bận không gọi thành tên. Cơ mà, cuộc điện thoại mấy hôm trước vẫn làm anh chùng xuống. “Tết này chắc vợ chồng em không về được”. “Chắc bọn em vào trong ấy. Cũng hai ba năm rồi không vào, bố mẹ chồng có vẻ cũng không ưng”. “À, nếu không vào nội thì chắc bọn em đi du lịch. Cả năm mệt quá rồi, muốn nghỉ ngơi một chút”… Anh không dám nài, vì o bây giờ đã có gia đình, cũng phải “tòng phu”, rồi bao nhiêu nguyên do khác. Chỉ là, anh thấy nhớ o, nhớ cái không khí bốn anh em quây quần bên nhau trong những thời khắc như thế này…

2. Anh cầm chổi quét sân. Tiếng loa xập xình từ nhà bên vọng sang. (Ở đây họ thế, loa gắn ở ngoài hiên, chĩa sang nhà hàng xóm, để người khác biết nhà mình có cái loa). Nhà họ chắc cũng đang chuẩn bị đón tết như anh. Cứ như ngày xưa, những ngày giáp tết kiểu gì cũng nghe tiếng pháo nổ, tiếng lợn kêu eng éc, tiếng í ới gọi nhau mua cái này bán cái kia… Nhưng giờ thì vắng bặt. Mọi thứ khác rồi. Ngay cả nhà anh cũng không còn như ngày xưa nữa…

Vợ anh vẫn chưa về. Cô đi chợ bán đào. Đa phần dân làng này đều trồng hoa. Các dịp lễ tết là thời vụ tấp nập. Đến giờ vẫn chưa về thì chắc là hàng hôm nay ế. Cũng dễ hiểu. Mọi năm còn cha, cha cẩn thận chăm từng gốc đào. Dù ông mù lòa nhưng gốc đào nào vào tay cha cũng tươi tốt, căng nụ trổ hoa. Năm nay vắng cha…

Anh lấy vòi nước xịt xung quanh cái sân bê tông. Vợ anh về đến. Không thấy còn đào. Mặt không vui không buồn. Chỉ thấy mỏi mệt. “Bán tốt không em?”. “Thì cũng rứa rứa đó”. “Con mô anh?”. “Đang chơi dưới ngoại”. “Rứa để em xuống đón về, còn tắm rửa, ăn uống nữa”. “Ừ”.

Cô gái trẻ lại tất tả quay xe ra ngõ. Anh nhìn theo cái lưng áo vẫn còn ướt mồ hôi mà chạnh lòng. Ngày nhà anh xuống hỏi cưới, cô gái ấy chỉ nằm trong phòng mà khóc ngất. Có lẽ, khóc vì hạnh phúc và khóc vì sợ. Bởi ở cái tuổi 20 và là một cô sinh viên cao đẳng chưa tốt nghiệp, cô không biết nên đương đầu với cái sự kiện bước ngoặt của cuộc đời mình như thế nào. Nhất là với cái thai đang nằm trong bụng. Thế rồi, đến bây giờ, khi đã là mẹ của hai đứa con, cô gái ấy chưa một lần khiến anh thất vọng.

Vợ anh đẹp. Ngày xưa đẹp, giờ còn mặn mà hơn. Có điều, thời gian và sự vất vả đã hằn đôi chút lên gương mặt ấy. Hồi cha còn, chủ yếu mình cô ấy chăm sóc lo liệu cho cha. Rồi cả hai đứa con nhỏ, cộng với việc thất nghiệp, càng chồng chất thêm lo toan muộn phiền. Anh bận việc ủy ban đi suốt. Hôm nào rảnh lại tranh thủ đánh đàn đám cưới kiếm thêm chút ít. Anh không biết được chính xác vợ anh đã phải cáng đáng những gì trong ngôi nhà lớn này. Đầu năm nay, nhờ quen biết, anh mới xin được cho vợ dạy hợp đồng ở một ngôi trường dưới biển. Dù chẳng có bao nhiêu học trò nhưng cô vui lắm. “Có trò mà dạy là tốt quá rồi anh”. Đấy là cô muốn nói, còn được đứa nào hay đứa nấy, vì ở cái làng biển ấy, đủ lớn, đủ điều kiện là chúng đi nước ngoài lao động hết. Nhiều người đi về mở mày mở mặt. Nhưng cũng có người đi rồi trốn ở lại. Có người đi rồi mất tích trên biển… Những dịp lễ lạt, quà tặng cô giáo là chai nước mắm, đùm cá khô… những món quà đậm vị mặn mòi của biển. Nhưng nó làm cô hạnh phúc.

Anh bỗng nhiên thấy mình tệ vì sắp đến thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới rồi anh mới nghĩ đến vợ mình. Chao ôi, người phụ nữ ấy đã vất vả biết bao. Vậy mà đôi khi anh còn nhăn mặt khi nhai một miếng cơm có sạn, đôi khi nặng lời vì cái áo sơ mi nhăn nhúm, đôi khi quát nạt vì một bãi nước tiểu của con chưa kịp lau…

3. Có tiếng xe máy ngoài cổng. Bác cả về. Bác lúc nào cũng vậy, những việc liên quan đến thờ cúng, bác rất chỉn chu. Dù cái áo sơ mi đã ngả màu và cái quần đã sờn đôi chỗ nhưng bác vẫn sơ vin cẩn thận. Đôi dép bác đi không che được mười đầu ngón chân cáu bẩn và những vết chân chim trên bàn chân rắn rỏi. Tính bác cả rất ương. Cả nhà chỉ có anh nói bác cả mới nghe. Những lúc ngồi lại với nhau, (thỉnh thoảng có cả o về nữa), bác cả hay kể chuyện ngày xưa. Rồi khóc. “Ngày xưa khổ quá. Giờ đỡ nhiều rồi. Thì cha mạ không còn”. Có lúc bác cả nói vậy. Ngày xưa khổ thật. Anh nhớ, có năm đến tận chiều 30 tết rồi, mạ anh vẫn còn cắp rổ đi vay gạo. Mạ anh đưa theo cả o - đứa con gầy gò nhất nhà. Có lẽ, để người ta dễ thông cảm… Anh chua chát nghĩ.

Bác cả cười với anh. “Chuẩn bị xong cả chưa?”. “Dạ, thì cũng rứa rứa đó. Kiểu chi chẳng sang mùng một”. Bác cả xách hộp bánh và chai rượu vào nhà. “Đã nhốt gà chưa đó?”. Bác cả nhắc vọng ra. “Dạ, rồi!”. Ý bác cả bảo phải nhốt gà để đêm cúng giao thừa. “Có điện chi cho o không rứa? O có về được không?”. “O bận lắm bác ơi, chắc phải vô nội. Chắc không về được…”. “Rứa à…”

“Thím chưa về à?”. “Về rồi. Mà đang xuống ngoại đón hai đứa nhỏ”. “Ừ, thôi rứa đã. Anh về trong rẫy cột lại cái chuồng bò”. Bác cả nói rồi quay chiếc xe máy cũ rích ra ngõ. Anh nghĩ lại những ngày khổ cực, lại thương bác cả. Bác không được học nhiều. Nghỉ giữa chừng. Rồi anh cũng nghỉ giữa chừng. (Sau này đi bộ đội về anh được đi học tiếp, còn bác cả thì mãi cứ dừng lại ở lớp 5). Ngày ấy, cả nhà tập trung cho chú ba và o út đi học. Sau khi mạ mất vì lao lực, chú ba cũng nghỉ học để đi làm lấy tiền cho o đi học. Đến khi o đi làm lại nuôi chú ba đi học. Sự học của bốn anh em nhà anh cũng chẳng lấy gì làm thuận lợi. Nhưng may mà nhờ vậy, o út giờ có công ăn việc làm. Chú ba cũng có cái vốn mà làm công nhân cho công ty nước ngoài. Còn anh cả, có lẽ, vẫn mãi là người hy sinh cho những đứa em của mình.

4. Hai vợ chồng anh tất tả bày mâm cỗ cúng ra sân. Hai đứa nhỏ đã ngủ yên trong buồng. Tivi vẫn phát chương trình chờ đón giao thừa. Nhà bên có ai đó vừa cười. Ánh đèn loang ra cả một vùng xóm. Giờ thì chắc không ai nghĩ “tối như đêm ba mươi” cả. Cây nêu có gắn lá cờ tổ quốc (một thói quen của vùng này) anh mới dựng hồi chiều đang khẽ lung lay. Đôi làn mưa lất phất khẽ tan trong gió. Có lẽ, chúng là những gì còn sót lại, từ xa xôi bay về, sau trận bão lịch sử trong năm. Trận bão làm cái tết này ở vùng quê vốn nghèo khó này thêm phần ảm đạm. Anh lại nghĩ đến o. Cũng không biết giờ này nhà o đang ở Huế hay vào nội rồi?

“Anh ơi! Lại đây xem nì”. Nghe tiếng vợ gọi. Anh chạy lên hiên, đứng bên cạnh vợ. Cô vẫn mặc bộ quần áo ở nhà. Anh nhìn đến là thương. Tất nhiên, không phải vì không có quần áo mới (ngay cả những đứa trẻ bây giờ cũng ít có tâm niệm về điều này, khác với ngày xưa, chỉ đến tết mới có quần áo mới, giờ thì hầu như khi nào chúng muốn quần áo mới đều có) mà vì ngay tại thời điểm gần qua một năm mới, cô ấy vẫn đang trong tư thế làm việc. Anh nhìn theo hướng tay vợ chỉ. Ở phía ấy, băng qua khoảng đêm của cánh đồng trước nhà, vắt qua chỗ khu đất giải tỏa của sân bay là thành phố. Những mảng màu rực rỡ kèm theo tiếng vọng đì đùng của pháo hoa. Có lẽ việc vài xã trong tỉnh liêu xiêu vì trận bão vừa rồi không ảnh hưởng lắm đến những tràng pháo tươi vui này. Anh thông cảm nghĩ, cuộc sống mà, không cứ vì mình buồn mà bắt người khác không được vui. Anh nhẹ nhàng khoác vai vợ…

5. Vợ anh đặt mâm cỗ trên chiếc bàn gỗ giữa nhà. “Em cũng uống một cốc bia nhé”. “dạ”. (Vợ anh “dạ” nghe thật là thương). Anh rót bia vào cốc. Hai vợ chồng cụng ly. Anh chúc vợ đôi câu. Cô cười. Cứ như mọi năm, cha anh sẽ ngồi ở ghế bên cạnh, rút tiền lì xì cho con cháu (có năm có cả o và con rể). Rồi mọi người rút bài, cha giải vận mệnh của lá bài ai đó vừa rút… Năm nay vắng cha, anh vẫn mua bài, nhưng không ai rút vì không còn người giải nữa… Anh thấy quý biết bao những phút giây đoàn tụ gia đình, nhất là trong không khí tết nhất thế này. Anh thấy mình may mắn, vì chí ít anh còn có vợ, có hai đứa con. Còn biết bao người khác? Những người mà, ngay trong xóm anh thôi, vì cơn bão, đã mất đi người mà đáng lẽ ra bây giờ đang ngồi cùng nhau đón tết; những người có thể ngay lúc này đây còn đang ruổi rong xa xứ; những người còn lang thang trên những chuyến xe xuôi ngược; những người còn vất vưởng không nhà không cửa… Chao ôi, có thấy buồn mới trân quý niềm vui.

Anh gắp cái đùi gà đặt vào bát của vợ. “Em ăn đi. Cả năm vất vả rồi”. “Thôi, anh ăn đi, em ăn cái cánh này được”. Chị gắp lại vào bát anh. Người phụ nữ rồi vất vả mãi thôi. Lúc nào cũng hy sinh cho chồng con, cho gia đình. Đến một miếng ăn ngon cũng không nỡ để phần mình.

Bỗng có tiếng xe ngoài ngõ. Con chó mực sủa lên vài tiếng yếu ớt. Có lẽ nó cũng biết “lịch sự” vì mới sang sáng mùng một. Nhưng ai mà xông đất sớm vậy nhỉ? Chưa kể năm nay nhà anh có tang…

Anh đứng dậy nhìn ra ngõ. Sau hàng chè mạn và cái cổng gỗ, ánh đèn hậu ô tô đỏ lòm. Hai bóng người bước xuống. Xì xào gì đó. Rồi chiếc ô tô lăn bánh. Anh bước ra đón hai bóng người đang tay xách nách mang bước vào trong sân. Bỗng vợ anh đứng trên hiên reo lên: “A! O về”. Anh con rể mau tiếng. Bắt tay. Chúc tụng. O đang bế đứa con gái ngủ say trên tay cũng lên tiếng chúc tết. “Vợ chồng o về, anh mừng quá”. Anh nói mà mắt rơm rớm. “Tưởng o không về được”. Anh nghẹn lời.

“Quả là bọn em bận quá... May tiện có anh bạn có việc gấp phải đánh xe về quê, đi ngang nhà mình, nên bọn em vội vàng xách đồ ra luôn. Tết nhất về thắp cho ba mẹ nén hương cũng phải đạo mà”. Anh con rể nói thay lời vợ.

Đứa cháu gái khẽ cựa mình rồi lại ngủ ngon bên cạnh anh chị của nó. Còn lại bốn người lớn ngồi giữa căn nhà. Vừa tròn bốn chiếc ghế gỗ. Trên bàn thờ có thêm mấy que hương hai đứa con ở xa vừa thắp lên. Mùi hương rất thơm. Anh rót bia, gắp thức ăn cho mọi người, cảm thấy lòng vui đến lạ. “Nào, mừng đoàn viên!”. Bốn con người đều cười - những nụ cười giòn tan. “Đợi chút nữa, cả nhà mình vào rẫy chúc tết vợ chồng bác cả và vợ chồng chú ba nhé!”. Anh nói. “Dạ, cả nhà đi, em ở nhà trông ba đứa nhỏ”. Vợ anh vui vẻ đáp lời…

Ngoài sân, cây nêu có gắn lá cờ Tổ quốc vẫn nhẹ nhàng bay trong làn mưa xuân dịu nhẹ. Có tiếng ai đó vừa hô lên vui vẻ bên nhà hàng xóm. Anh khoan khoái nghĩ, tết thực sự đã về…

Nguyễn Anh Dân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối và bình ổn

Còn hơn 20 ngày nữa mới tết nhưng những ngày này, thị trường hàng tết đã bắt đầu chộn rộn. Có thể nhận thấy điều này ở không khí và màu sắc trên các kệ sản phẩm ở các chợ, các trung tâm thương mại đến chợ các vùng quê, kể cả chợ lẻ trên facebook.

Cân đối và bình ổn
Hỗ trợ & căn cơ

Trên 46 tỷ đồng là số thiệt hại mà người nuôi cá nước ngọt, nước lợ ở Phong Điển, Hương Trà, Quảng Điền và Phú Vang, Phú Lộc phải chịu đựng do ảnh hưởng mưa lũ của cơn bão số 12 trong ngày đầu tháng vừa qua.

Hỗ trợ  căn cơ
Phép thử

Nước rút, nhưng người dân thường xuyên tham gia giao thông qua Đập Đá nối hai tuyến Lê Lợi và Nguyễn Sinh Cung lại thêm mối lo mới về sự an toàn khi ngang qua công trình này.

Phép thử
Ra mắt

Cô nghe bà nói, lòng cười như nắng ban mai. Anh vui vẻ thực hiện sứ mệnh mà thực ra khi nào làm chẳng được.

Ra mắt
Hạnh phúc.

Hôm ấy, nắng ngoài song rất đẹp, chiếu ngang tán lá me chao nghiêng trong làn gió tinh khôi sau những ngày mưa ủy mị. Và cũng hôm ấy, lá đơn bị dúi thô bạo vào tay Huyền. Nhăn nhúm.

Hạnh phúc
Return to top