ClockThứ Bảy, 18/11/2017 14:16

Hỗ trợ & căn cơ

TTH - Trên 46 tỷ đồng là số thiệt hại mà người nuôi cá nước ngọt, nước lợ ở Phong Điển, Hương Trà, Quảng Điền và Phú Vang, Phú Lộc phải chịu đựng do ảnh hưởng mưa lũ của cơn bão số 12 trong ngày đầu tháng vừa qua.

Trong số này, có gần 1.000 lồng cá bị trôi, chết; hàng ngàn ha ao hồ bị ảnh hưởng. Đây có thể chưa phải là con số cuối cùng. Ngoài một phần rất nhỏ, gần như không đáng kể được một thương lái thu mua để chế biến thức ăn cho gia súc, người dân còn phải gánh thêm chi phí xử lý số lượng lớn cá chết để tránh tác động với môi trường.

Người nuôi cá  lồng ở Huế khóc ròng theo mưa lũ 

Nước mắt của người nuôi cá đã rơi. Gánh nặng của các khoản nợ rồi sẽ còn đeo đẳng người dân chưa biết đến bao giờ mới vơi được. Đằng sau đó còn là cuộc sống và thân phận của những con người. Đây có lẽ là mùa mưa lũ gây thất bát nhất của người dân sống bằng nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn trong nhiều năm qua. Xác định việc cần hỗ trợ cho người dân để ổn định cuộc sống và tái sản xuất, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, thống kê, xác định cụ thể mức độ thiệt hại của từng hộ, từng địa phương để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và đề xuất, kiến nghị Nhà nước có mức hỗ trợ thiệt hại cho bà con… là chia sẻ của Phó Giám đốc sở Nguyễn Đình Đức.

Đó là việc sẽ làm. Tuy nhiên có vẻ như đây là một việc chưa có tiền lệ khi lâu nay mới chỉ có chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai đối với cây trồng, gia súc và gia cầm nên cần có những lộ trình nhất định. Điều đó cũng được hiểu gần như là ngoài những hỗ trợ cấp thiết ban đầu từ chính quyền và cộng đồng xã hội, người dân phải tự nỗ lực trước. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Đức cho rằng, việc người dân nuôi thủy hải sản theo kiểu tự phát, không theo quy hoạch và chưa tuân thủ quy hoạch, lịch trình thời vụ nuôi trồng, mật độ con giống và kỹ thuật sản xuất an toàn nên cơ quan chức năng không có căn cứ, không thể xác định mức độ thiệt hại để đề xuất cấp trên hỗ trợ.

Đây không phải là tồn tại bây giờ mới thấy. Cũng không phải là chuyện của riêng Thừa Thiên Huế mà có ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cũng không phải chỉ đối với cá nuôi mà cả ở tôm và ngay cả ở một số loại gia súc, gia cầm dễ quản lý và có cơ chế hỗ trợ thiệt hại từ trước, dù mức độ ít hơn.

Nếu quan tâm, người ta sẽ tìm thấy rất nhiều cảnh báo về việc người dân thả con giống với mật độ/lồng và mật độ lồng/diện tích nuôi quá dày. Hệ quả kéo theo là rủi ro sẽ nhiều hơn khi môi trường nước bị ô nhiễm, dịch bệnh dễ xảy ra và thực tế thì cá, tôm trong nhiều ao hồ đã bị chết hàng loạt vì lý do này. Bên cạnh đó là những nguyên nhân khác đến từ việc người dân nuôi nhỏ lẻ, năng suất thấp trên một hạ tầng chưa phù hợp và hoàn toàn phụ thuộc vào biến động giá đầu vào từ con giống, thức ăn, kỹ thuật, dịch bệnh và những hiểm họa có thể đến trong vùng bão lũ… Trong khi đó, giá đầu ra cũng hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái và nhịp điệu thị trường. Nói một cách khác đi, người nuôi trồng đang chịu lép vế trong một mối quan hệ cung cầu đã được xác lập, nhưng vô cùng lỏng lẻo.

Chia sẻ và hỗ trợ người dân trước những hệ quả của thiên tai là điều sẽ được thực hiện, bằng nhiều giải pháp và hình thức khác nhau, nhưng cũng phải hiểu là Nhà nước không thể nào hỗ trợ và bù lỗ mãi được. Một giải pháp căn cơ hơn là điều cần phải được tính đến. Giải pháp này, có lẽ phải bắt đầu từ quy hoạch và quản lý việc phát triển trong quy hoạch đó, với những điều kiện cần và đủ kèm theo, mang tính bắt buộc về giống, kỹ thuật, mật độ con giống/diện tích ao hồ, mặt nước... cũng như việc hỗ trợ hành lang pháp lý để có sự đầu tư trong việc tạo chuỗi liên kết, tránh sự phập phù trong mùa vụ. Cho dù đến bây giờ, người dân – vì những lý do khác nhau – vẫn còn khá mơ hồ với các cụm từ này. Điều này trước hết là vì người dân, trong sự giảm thiểu tối đa nhất có thể được những tác động khách quan và chủ quan của rủi ro.

Cuối cùng, điều mà chúng tôi muốn đề cập là trong các bản báo cáo, thay vì chỉ có các con số phát triển về diện tích ao hồ vùng nuôi, tỷ lệ phát triển nuôi trồng thủy hải sản (có thể mở rộng ra các lĩnh vực khác nữa) trong tương quan so sánh, cần có những con số cảnh báo về việc có những vùng nuôi, vùng sản xuất, lĩnh vực sản xuất… chưa đủ điều kiện và tiềm ẩn nhiều rủi ro như những dữ liệu thường kỳ để những người/đơn vị liên quan có ngay những tham mưu cần thiết để giảm thiểu rủi ro cho người dân; cho sự phát triển của mỗi vùng kinh tế, rộng hơn là nền kinh tế.

Bài: NGUYỄN ANH DÂN - Ảnh: HẢI HUẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”

TIN MỚI

Return to top