ClockThứ Năm, 09/01/2014 06:06

Tết Tây - Tết Ta

TTH - Tết Dương lịch 2014, trời thành phố Hồ Chí Minh se se lạnh, mấy năm này người ta hết bảo: “Anh ở trong này không có mùa Đông” nữa. Mà cũng phải thôi khi chỉ còn hơn 3 tuần nữa là đến Tết Âm lịch, chút lạnh cuối mùa này như làm bước đệm cho Tết chính sắp đến. Từ lâu, ai cũng xem Tết Tây là Tết phụ, Tết Ta mới là Tết chính.

Vậy mà hôm nay đọc báo nghe chuyện một ông giáo sư đề nghị gộp Tết Tây và Tết Ta thành một Tết chung mà sững sờ. Bàng hoàng, ngạc nhiên như cách đây mấy năm tôi nghe chuyện mặt trăng sẽ bị phá hủy và mặt đất không còn Tết Trung Thu nữa. Chuyện khoa học đó cũng như chuyện gộp Tết của ông Giáo sư đều có lý luận của riêng vì họ đều là những nhà khoa học thôi. Nhưng sao tôi nghe mà ấm ức trong lòng, tưởng như ai sắp đem Tết của mình đi xa. Tôi đem chuyện này đi hỏi mấy người quen, ai cũng bảo chuyên gộp Tết Tây, Tết Ta xưa như quả đất rồi vì xuất phát từ năm 2005 chứ đâu phải đến bây giờ. Tôi thở phào nhẹ nhõm nhưng buồn vì có người Việt mình sao lại dễ dàng quên Tết đến thế ?Tôi biết tôi chỉ là một cánh én không làm nổi mùa Xuân nhưng vẫn thiết tha đem tâm nguyện của mình để chia sẻ cùng mọi người, với hy vọng níu giữ lại được cái Tết thân thương.

Chợ hoa Xuân. Ảnh: Hoàng Hải

Trong những người tôi nhàn đàm – mượn chữ của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường – có bác sĩ Dương Cẩm Chương năm nay đã 102 tuổi. Nghe chuyện, Bác trầm ngâm “Làm sao bỏ Tết Nguyên Đán được, khi đó chính là bản sắc là văn hóa dân tộc?”. Nghe Bác nói mà tôi vỡ vạc được nhiều điều. Đúng là Tết Nguyên đán Việt Nam là bản sắc văn hóa Việt, đó là truyền thống đẹp mà bao nhiêu người đang muốn giữ gìn. Nếu gộp Tết chẳng khác gì ta sân khấu hóa Tết, ta đi ngược lại tâm tư tình cảm con người. Nhân dịp nhàn đàm này bác Chương cũng kể cho tôi nghe vài nét hay nét lạ về phong tục Tết ở một số nơi mà bác từng đi qua. Nghe thế tôi càng yêu thêm Tết Huế quê mình. Khi những tờ lịch vơi đi, cuốn lịch trên tường có màu sắc đặc biệt xuất hiện. Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày mồng 1 tháng Giêng âm lịch. Nhưng với mọi người, trong tâm thức họ thì Tết luôn bắt đầu vào ngày 30 khi nhà nào cũng rộn ràng cho ngày đầu năm. Sống qua hơn 70 cái Tết nên theo tôi hiểu thì Tết “Do quy luật 3 năm nhuận 1 tháng nên Tết Nguyên đán không bao giờ đến trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau 19 tháng 2 Dương lịch”. Vậy có điều gì có thể thay đổi được khi điều đó đã trở thành bất di bất dịch, là thuần phong mỹ tục dân tộc? Mặc dù tôi biết điều gì cũng có thể xảy ra. Thực tế như tôi được biết, những gì ông Giáo sư nói đều là mẫu số chung trong mấy ngày Tết. Tôi khẳng định đó không phải là quy luật mà do tâm lý con người, tự thân họ có thể điều chỉnh. Còn chuyện hội nhập này nọ hay lãng phí thời gian thì hơi lạ vì năm nào cũng ngần đó việc, lịch đã sắp xếp hết rồi nên chi cứ theo đó mà vận hành. Bao nhiêu năm đã qua có gì khập khiễng đâu, chỉ e thay đổi sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khi mà ta chưa quen và phải làm lại từ đầu. Nực cười nhất là ăn Tết mà chưa qua Đông chí, chưa có hơi thở mùa Xuân và tại sao phải thay đổi để ăn Tết Tây trong khi ta có Tết Ta? Ngay cả khi gộp Tết, người ta không thật sự ăn Tết mà chờ đến đúng ngày mồng 1 tháng Giêng âm lịch mới tổ chức Tết cho gia đình, khi đó mới lộn tùng phèo cả lên.

Với không ít người, họ đều nghĩ rằng khi có ý tưởng nào đó hãy bắt đầu từ chính mình. Không hiểu những cái Tết đã qua trong cuộc đời người đưa ra cải tổ về Tết đã diễn ra ra sao mà không thiết tha với Tết như thế (?).Tôi đã qua nhiều cái Tết trong đời, thiếu thốn hay đầy đủ đều có cả. Tôi thấy, ngay cả khi khó khăn nhất vì hoàn cảnh chiến tranh, người ta vẫn tạo ra hương vị Tết cho ấm cúng vì đó là ngày thiêng liêng nhất trong năm. Có một lần xem tivi, tôi vẫn nhớ câu chuyện xúc động của nhiều du học sinh Liên Xô nhớ nhà, nhớ Tết tụ họp nhau gói bánh chưng, tìm cho được cành đào để tìm hương vị Tết quê nhà. Người Việt Nam mình giờ có mặt khắp nơi trên thế giới, ngày Tết như thời điểm để họ nhớ về quê hương đất nước. Có lẽ tôi không nhắc lại Tết Việt trên đất Mỹ như thế nào vì nhiều người đã được nghe, được thấy qua báo đài. Hơn ai hết, những người Việt xa quê này, phải là người hội nhập nhanh nhất, hòa nhập mau nhất và có khi không cần ăn Tết Ta nữa vì họ đang ở Tây. Nhưng không! Mấy triệu người Việt ly hương có ai quên được Tết Việt, Tết Tây xong thì họ ăn Tết Ta, đã bao giờ họ gộp lại đâu? Năm nào cũng vậy, mà có khi năm sau đồng bào mình ăn Tết Việt còn to hơn năm trước. Qua đó càng khẳng định người Việt ta dù ở đâu luôn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, họ có tinh thần hòa nhập mà không bao giờ hòa tan. Bạn đọc cứ ra sân bay hay bến tàu ngày Tết mới thấy nỗi khắc khoải của người đi xa muốn về nhà trong ba ngày Tết. Về rồi laị đi, thêm một hành trình vất vả, vậy mà ai cũng muốn về nhà ăn Tết. Có ai từng thèm cái Tết quê nhà mới hiểu. Vậy thì làm sao lại bỏ Tết truyền thống, làm sao dễ quên được những cái Tết đầm ấm trong đời mà đời người đâu có dài để có nhiều cái Tết hơn nữa?

Chuyện nhàn đàm trong năm bao giờ cũng dài. Chuyện về Tết lại càng nhiều đề tài để nói. Tôi nghĩ chuyện gộp Tết hẳn sẽ là chuyện “Bất khả thi” Vì vậy tôi tâm đắc với suy nghĩ của Giáo sư Hà Đình Đức “Tại sao lại bắt ta phải theo họ”.

Võ Ngọc Lan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top