Dòng sông Nile chảy qua 11 quốc gia, cung cấp nước cho hàng trăm triệu người sống trên lưu vực. Đối với hàng triệu người, đó là nguồn nước duy nhất mà họ có thể trông chờ. Ai Cập là một trong những quốc gia sử dụng nguồn nước từ sông Nile nhiều nhất cho sinh hoạt và sản xuất, lên đến 85%. Các chuyên gia cho rằng đất nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt vào năm 2025.
Vòi nước ở Cairo (Ai Cập) được lấy từ sông Nile. Ảnh: Reuters
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Earth’s Future đã đưa ra một cái nhìn bao quát về vấn đề của nguồn nước sông Nile trong tương lai. Các nhà nghiên cứu của Đại học Dartmouth đã phân tích các thông tin về khí hậu, xu hướng dân số và các triển vọng phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp để dự đoán tình hình sông Nile trong vòng 50 năm tới.
Trong khi đó, Ethiopia sắp hoàn thiện dự án xây dựng đập thủy điện khổng lồ trên sông Nile. Đập thủy điện Đại phục hưng dự kiến có tổng kinh phí xây dựng trong khoảng từ 4 - 6,4 tỷ USD và được kỳ vọng sẽ đem về công suất 15 tỷ kilowatt giờ điện, gấp ba lần đập Hoover ở Mỹ.
Nghiên cứu cho thấy rằng, trong khoảng thời gian xây dựng và tích nước kéo dài 15 năm của đập thủy điện, dòng chảy từ sông Nile về phía hạ nguồn sẽ giảm dần, lưu lượng qua Ai Cập có thể giảm tới 25%.
Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân làm gia tăng những vấn đề đối với nguồn nước sông Nile. Đến năm 2030, dòng chảy sông Nile sẽ thường xuyên không đáp ứng được nhu cầu của khu vực và 20% đến 40% dân số sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước.
Cặp đôi người Sudan ngồi trên một nhánh sông Nile khi triều xuống ở Khartoum, Sudan. Ảnh: Reuters
50 năm sau, vào năm 2080, mọi chuyện có thể còn trở nên tồi tệ hơn. Theo dự báo của nghiên cứu, khoảng 170 triệu người trong lưu vực sông Nile sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước. Trong những năm khô và nóng, nguồn cung cấp nước sẽ bị cắt giảm khoảng 20%. Con số này sẽ tiếp tục tăng theo thời gian, trong tương lai 30% đến 55% dân số phụ thuộc vào nguồn ở sông Nile sẽ “khát nước”, tương đương khoảng 200 triệu người.
Mohammed Abdel Aty, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước và thủy lợi Ai Cập chia sẻ, nếu lượng nước sông Nile chảy về Ai Cập giảm 2%, quốc gia này sẽ mất khoảng 80.000ha đất. Một gia đình ở Ai Cập trung bình 5 người và cần khoảng 0,4ha để phát triển sinh kế, do đó nếu mất 80.000ha đất đồng nghĩa với việc gần 1 triệu lao động Ai Cập sẽ thất nghiệp. Ông cho rằng đây là một vấn đề an ninh quốc tế.
Một số nhận định cho rằng ngay cả khi lượng mưa ở khu vực thượng nguồn sông Nile được dự báo sẽ tăng thì điều này không mang lại nhiều hy vọng bởi điều đó không đủ đáp ứng số lượng dân số ngày càng tăng và hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến mùa nóng thêm khắc nghiệt.
Các nhà nghiên cứu cho rằng mưa là một trong những hiện tượng tự nhiên khó dự đoán nhất. Trên thực tế, lượng mưa có thể không thay đổi hoặc giảm trong tương lai, những năm khí hậu nóng và khô sẽ trở nên thường xuyên hơn so với dự đoán. Trong trường hợp đó, sự khan hiếm nước đối với dân cư khu vực sông Nile sẽ trở nên khủng khiếp hơn.
Theo VOV