Thế giới

75% trong số 80 triệu liều vaccine COVID-19 sẽ được Mỹ chia sẻ qua COVAX

ClockThứ Sáu, 04/06/2021 15:03
TTH.VN - Hãng Thông tấn AFP ngày 4/6 đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa vạch ra kế hoạch chi tiết cho những liều vaccine đầu tiên trong số 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mà Mỹ sẽ chia sẻ trên toàn cầu; trong đó, 75% số liều vaccine sẽ được phân phối thông qua chương trình COVAX.

Lãnh đạo thế giới cam kết tài trợ 2,4 tỷ USD cho cơ chế COVAXMất cân bằng về vaccine COVID-19 giữa nước giàu và nước nghèoCOVAX đặt mục tiêu triển khai vaccine Covid-19 tại hơn 100 nước trong vài tuần tới

Lô vaccine ngừa COVID-19 được phân phối thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX được chuyển đến Ghana. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nhà Trắng cho biết, đối với các liều vaccine được chia sẻ thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, Washington sẽ ưu tiên các quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe, Nam và Đông Nam Á, và châu Phi, nhằm mục đích giúp ngăn chặn sự gia tăng mới đây của các ca bệnh.

Trong một tuyên bố, ông Joe Biden khẳng định: "Chúng tôi đang chia sẻ những liều vaccine này để cứu sống mọi người và dẫn đầu thế giới trong việc chấm dứt đại dịch”. Trước đó, Tổng thống Mỹ đã cam kết sẽ xuất khẩu 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 sang các quốc gia trên khắp thế giới trước cuối tháng 6 này.

Ngoài ra, Điều phối viên phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng, ông Jeff Zient nói với các phóng viên rằng: “Quá trình xuất khẩu 25 triệu liều vaccine đầu tiên đang được tiến hành. Chúng tôi sẽ phân phối 80 triệu liều vaccine theo cam kết của Tổng thống trước cuối tháng 6".

Cụ thể, đợt vaccine đầu tiên sẽ đến từ nguồn cung vaccine liên bang và sẽ bao gồm sự kết hợp của 3 loại vaccine hiện được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ là: Johnson & Johnson, Moderna, và Pfizer-BioNTech.

Đáng chú ý, theo kế hoạch của Mỹ, trong số 25 triệu liều vaccine đầu tiên, khoảng 7 triệu liều sẽ được phân bổ cho khu vực châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Việt Nam, Papua New Guinea, và Đài Loan.

Khoảng 6 triệu liều vaccine sẽ được phân phối cho các quốc gia ở khu vực Nam và Trung Mỹ, và Caribe, bao gồm Brazil, Argentina, Colombia, Costa Rica, Peru, Guatemala, và Haiti.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông Jake Sullivan cho hay, 5 triệu liều vaccine được dành cho khu vực châu Phi, và sẽ được phân phối với sự phối hợp của Liên minh châu Phi.

Ngoài ra, ông Joe Biden nói thêm, 6 triệu liều vaccine còn lại trong tổng số 25 triệu liều vaccine ban đầu sẽ được chia sẻ trực tiếp cho các quốc gia đang trải qua sự gia tăng về số ca bệnh, hoặc đang gặp khủng hoảng, cũng như với các đối tác và quốc gia láng giềng như Canada, Mexico, và Hàn Quốc.

Trong một động thái liên quan, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, ông "rất đánh giá cao" việc Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo về kế hoạch phân phối các liều vaccine để bảo vệ những người đối mặt với nguy cơ cao nhất, và khuyến khích những quốc gia khác làm điều tương tự.

Theo AFP, COVAX đã phân phối gần 80 triệu liều vaccine đến 127 vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, số lượng vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca chiếm 97% số liều vaccine được cung cấp cho đến nay, phần còn lại là vaccine của hãng Pfizer-BioNTech.

Lê Thảo (Lược dịch từ AFP)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Return to top