Nhiều nước thu nhập thấp đã được nhận vaccine ngừa COVID-19 thông qua cơ chế COVAX. Ảnh: Gavi
Những cam kết trên được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Cam kết Thị trường tiến bộ (AMC) hôm qua (2/6), đồng tổ chức bởi Nhật Bản và Liên minh vaccine GAVI – đơn vị điều phối COVAX, nhằm đảm bảo việc phân phối vaccine một cách công bằng. Tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã cam kết tài trợ 800 triệu USD, sau khoản tài trợ 200 triệu USD được đưa ra trước đó.
Nhiều quốc gia khác cũng hưởng ứng lời kêu gọi tài trợ của hội nghị như Australia, Philippines, Tây Ban Nha và Mỹ, cũng như các tổ chức phi lợi nhuận như Quỹ Bill & Melinda Gates. Các công ty như Toyota Tsusho, chi nhánh thương mại của Tập đoàn Toyota Nhật Bản và Ngân hàng UBS cũng đã quyên góp cho chương trình.
Chủ tịch Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), ông Jose Manuel Barroso, cho biết với số tiền quyên góp được hôm qua, tổng cộng các khoản đóng góp đã lên đến 9,6 tỷ USD cho việc mua vaccine và 775 triệu USD cho việc phân phối.
Tổng số vaccine do các quốc gia có thặng dư tài trợ hiện lên tới hơn 132 triệu liều. Trước hội nghị thượng đỉnh ngày 2/6, sáng kiến COVAX đã huy động được 7 tỷ USD. Các cam kết tài trợ đạt được hôm qua đã vượt quá mức thiếu hụt 1,3 tỷ USD theo ước tính của Gavi nhằm đảm bảo có đủ 1,8 tỷ liều vaccine cần thiết để tiêm chủng cho 30% dân số ở 92 quốc gia có thu nhập thấp vào cuối năm nay.
Hội nghị cũng nhấn mạnh một thực tế rằng hơn 80% lượng vaccine được sử dụng cho đến nay là ở các nước phát triển, trong khi các nước đang phát triển với chỉ chiếm 0,4% lượng vaccine toàn cầu.
Tiêm chủng toàn cầu có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu kết nối với nhau, và việc sở hữu không đồng đều các loại vaccine đã tạo ra một hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo.
Theo các nhà khoa học, việc triển khai vaccine công bằng trên toàn thế giới là chìa khóa để chấm dứt đại dịch COVID-19. Đại dịch hiện vẫn đang tiếp tục hoành hành ở các nước châu Á ngay cả khi tình trạng lây nhiễm COVID-19 đã giảm đáng kể ở các nước như Mỹ, Anh và Israel, nơi các chương trình tiêm chủng được tiến hành ở quy mô lớn. Tuy vậy, các nước giàu vẫn không tránh khỏi những tổn thất. Phòng Thương mại Quốc tế ước tính nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 9,2 nghìn tỷ USD - khoảng một nửa trong số đó sẽ do các nền kinh tế lớn gánh vác, với nguyên nhân một phần vì vaccine không được cung cấp cho các nước thu nhập thấp.
Bà Eileen O'Connor, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách truyền thông và chính sách của quỹ, nói rằng mặc dù các cam kết đạt được tại hội nghị hôm qua là một khởi đầu tốt, nhưng vẫn chưa đủ để đạt được miễn dịch cộng đồng ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn.
"Để dân số toàn cầu được bảo vệ, chúng ta cần tiêm phòng cho ít nhất 60% dân số. Điều này cực kỳ quan trọng để ngăn chặn các biến thể lây lan, làm giảm hiệu quả của các loại vaccine hiện tại và dẫn đến một chu kỳ đại dịch không bao giờ kết thúc", bà Eileen nhấn mạnh, lưu ý rằng thách thức bây giờ là đảm bảo nguồn vốn cho năm tới.
Cũng theo bà Eileen, việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển vaccine, cũng như năng lực sản xuất ở các nước có thu nhập thấp hơn cũng là điều cần thiết để giúp các nước này xây dựng khả năng tự lực đối phó với các cuộc khủng hoảng sức khỏe trong tương lai.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Straitstimes)