Ngành du lịch ở châu Á-Thánh Bình Dương cần hợp tác quôc stees và khu vực để hồi sinh. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN
Thực tế, các quốc gia trên thế giới đang thực hiện những chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn để chống lại COVID-19 với hy vọng rằng việc tiêm chủng sẽ cho phép các hoạt động kinh tế trở lại và phục hồi hoàn toàn. Tuy vậy, khi nói đến du lịch quốc tế, triển vọng phục hồi nhanh chóng vẫn rất không chắc chắn.
Các thỏa thuận khu vực hoặc quốc tế về “thẻ thông hành vaccine” vẫn còn thiếu. Các “bong bóng du lịch” hiện có giữa những nơi có rủi ro COVID-19 thấp cũng rất hiếm và “dễ vỡ”. Trong tương lai, các quốc gia cần khẩn trương hợp tác với nhau để thiết lập các giao thức hài hòa, nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại quốc tế. Lữ hành quốc tế không chỉ quan trọng đối với lĩnh vực du lịch mà còn quan trọng với hoạt động kinh doanh và hợp tác quốc tế nói chung.
Sự ra đời của vaccine COVID-19 hồi tháng 12/2020 đã làm dấy lên hy vọng rằng “thẻ thông hành vaccine” có thể giúp đẩy nhanh sự phục hồi của lĩnh vực du lịch và lữ hành. Một khi vaccine có đủ khả năng miễn dịch và tránh lây truyền, nhiều người kỳ vọng rằng nó sẽ cho phép khách du lịch di chuyển xuyên biên giới mà không cần kiểm dịch và cách ly kéo dài.
Với giả định rằng “thẻ thông hành vaccine” sẽ được thực hiện và cho phép những người được tiêm vaccine có thể đi du lịch ở phạm vi tương tự như trước đại dịch, ngành du lịch dự kiến sẽ phục hồi sớm nhất vào năm 2023. Hơn nữa, nghiên cứu của ADB cũng chỉ ra rằng việc chậm triển khai tiêm chủng trong 6 tháng sẽ làm trì hoãn sự phục hồi của ngành du lịch đến cả năm.
Sự phục hồi cũng được dự báo sẽ không đồng đều, cả về lượng khách đi và đến. Các nền kinh tế đạt được việc tiêm phòng rộng rãi nhanh hơn sẽ có nhiều khả năng là những nước đầu tiên mở cửa biên giới cho du lịch quốc tế.
Theo ADB, việc áp dụng “thẻ thông hành vaccine” có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, các nỗ lực liên chính phủ để giới thiệu “thẻ thông hành” này vẫn chưa được tiển khai ở châu Á, ngoại trừ một số trường hợp như hộ chiếu sức khỏe miễn dịch của Malaysia được Singapore công nhận. Ở cấp khu vực, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thảo luận về khả năng thực hiện chứng chỉ vaccine kỹ thuật số chung cho các nước thành viên.
Trong bối cảnh này, ADB cho rằng cần có những nỗ lực bổ sung về hợp tác song phương và khu vực để tạo thuận lợi cho việc đi lại xuyên biên giới:
* Thống nhất quy trình áp dụng “thẻ thông hành vaccine” trong khu vực. Mặc dù những tiến bộ về tiêm chủng trong khu vực là không đồng đều, nhưng châu Á cần khẩn trương hợp tác để phát triển một quy trình tiêm chủng chung cho việc đi lại xuyên biên giới. Thẻ thông hành phải dễ sử dụng, chống gian lận và ở dạng kỹ thuật số. Ngoài việc giúp mọi đi lại dễ dàng hơn, việc áp dụng một hộ chiếu vaccine chung còn có thể khiến mọi người có thêm động lực để tiêm chủng.
* Tiếp tục cho phép nhập cảnh đối với du khách không có thẻ thông hành vaccine. Các chương trình tiêm chủng dự kiến sẽ mất nhiều năm để hoàn tất, vì vậy vẫn nên cho phép những du khách chưa tiêm phòng được nhập cảnh với một quy trình kiểm dịch hài hòa trên toàn khu vực. Các tiêu chuẩn chung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập kế hoạch chuyến đi và đảm bảo các quy định về sức khoẻ - vấn đề mà du khách hiện nay đang rất quan tâm.
* Sử dụng công nghệ kỹ thuật số để truy vết tiếp xúc. Như đã thấy ở Hàn Quốc và Trung Quốc, truy vết tiếp xúc đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc chống lại đại dịch. Việc truy vết tiếp xúc nên được thực hiện xuyên biên giới. Để đạt được mục tiêu này, điều quan trọng là các chính phủ phải áp dụng các công nghệ kỹ thuật số không chỉ để nắm chính xác các dịch chuyển của người dân và đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu mà còn để cho phép trao đổi vết tích giữa các quốc gia.
* Hợp nhất bong bóng du lịch với thẻ thông hành vaccine. Trong những tháng gần đây, một hình thức du lịch quốc tế mới đã xuất hiện, đó chính là “bong bóng du lịch” giữa các địa điểm phần lớn không có COVID-19. Do vậy, các chính phủ cần phối hợp làm thế nào để tích hợp các “bong bóng du lịch” này với các thẻ thông hành vaccine.
* Châu Á - Thái Bình Dương nên đi đầu. Việc hài hòa các tiêu chuẩn trên quy mô toàn cầu sẽ cần nhiều thời gian. Trong thời gian chờ đợi, các nước ở châu Á-Thái Bình Dương nên hợp tác cùng nhau để phát triển các quy trình tốt nhất trong khu vực. Một lập trường thống nhất và các hướng dẫn nghiêm ngặt về cách thực hiện thẻ thông hành vaccine kỹ thuật số và các biện pháp du lịch khác liên quan đến COVID-19 sẽ đóng góp đáng kể vào sự thành công của kế hoạch phục hồi du lịch. Đồng thời, nó cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại kinh doanh quốc tế, giúp phục hồi hợp tác kinh tế quốc tế nhanh hơn.
Theo đánh giá của ADB, việc triển khai vaccine sẽ là một quá trình tốn nhiều thời gian ở cả khu vực và trên toàn cầu, nhưng có những hành động có thể được thực hiện ngay bây giờ sẽ làm cho chúng hiệu quả hơn trong việc mở cửa lại du lịch và lữ hành. Điều đó có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau những tổn thương vì đại dịch mà khu vực này đang rất cần.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ ADB)