Công nhân làm việc trong một nhà máy ở khu vực Naroda, Ấn Độ. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN
Khu vực này được dự báo sẽ tăng trưởng 0,1% trong năm nay, đánh dấu tốc độ chậm nhất kể từ năm 1961 và sự suy giảm hơn nữa so với dự báo tăng trưởng ở mức 2,2% được đưa ra trước đó hồi tháng 4. Theo ADB, 33 trong số 46 nền kinh tế hiện đang được dự báo sẽ thu hẹp, con số này tăng từ 9 nền kinh tế.
Trong đó, khu vực Đông Á được dự báo sẽ tăng trưởng 1,3% trong năm 2020, đây là tiểu vùng duy nhất sẽ chứng kiến sự tăng trưởng trong năm nay, trong khi tăng trưởng vào năm 2021 sẽ phục hồi lên mức 6,8%. Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất của khu vực sẽ mở rộng 1,8% trong năm nay, giảm từ mức 2,3% trong dự báo hồi tháng 4.
Hứng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, khu vực Nam Á được dự báo sẽ thu hẹp 3% vào năm 2020, so với mức tăng trưởng 4,1% được dự báo vào tháng 4. Triển vọng tăng trưởng cho năm 2021 được điều chỉnh xuống mức 4,9%, từ mức 6%. Trong đó, nền kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ thu hẹp 4% trong năm tài chính 2020 (kết thúc vào ngày 31/3/2021), trước khi tăng trưởng 5% trong năm tài chính 2021.
Hoạt động kinh tế ở khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ thu hẹp 2,7% trong năm nay, trước khi tăng trưởng 5,2% vào năm 2021. Sự thu hẹp được dự báo ở các nền kinh tế chủ chốt khi những biện pháp ngăn chặn đại dịch ảnh hưởng đến đầu tư và tiêu dùng trong nước, bao gồm Indonesia (-1%), Philippines (-3,8%), và Thái Lan (-6,5%). Đáng chú ý, Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 4,1% trong năm 2020.
Hoạt động kinh tế của khu vực Trung Á được dự báo sẽ thu hẹp 0,5%, so với dự báo tăng trưởng 2,8% trong tháng 4 do sự gián đoạn thương mại và giá dầu thấp. Tăng trưởng được dự báo sẽ phục hồi lên mức 4,2% vào năm 2021.
Dòng chảy thương mại bị hạn chế và du lịch sụt giảm cũng làm suy yếu triển vọng kinh tế đối với tiểu vùng Thái Bình Dương. Nền kinh tế tiểu vùng được dự báo sẽ thu hẹp 4,3% vào năm 2020, trước khi lên mức tăng trưởng 1,6% vào năm 2021.
Bên cạnh đó, lạm phát đối với khu vực châu Á đang phát triển được dự báo ở mức 2,9% trong năm 2020, giảm so với mức dự báo 3,2% được đưa ra trong tháng 4, phản ánh nhu cầu suy yếu và giá dầu thấp hơn. Trong năm 2021, lạm phát dự kiếnsẽ giảm xuống mức 2,4%.
"Các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục cảm nhận tác động của đại dịch COVID-19 trong năm nay, ngay cả khi những biện pháp phong toả đang dần được nới lỏng và các hoạt động kinh tế được lựa chọn để bắt đầu trở lại trong một kịch bản “bình thường mới”", nhà kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada nhận định trong một tuyên bố.
Ngân hàng có trụ sở tại thủ đô Manila của Philippines cũng cho hay, họ đang duy trì dự báo tăng trưởng 6,2% cho năm tới, vẫn thấp hơn "những gì đã được hình dung và thấp hơn các xu hướng trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra".
Ông Yasuyuki Sawada nói thêm: "Mặc dù chúng tôi nhìn thấy triển vọng tăng trưởng cao hơn đối với khu vực này vào năm 2021, nhưng điều này chủ yếu là do con số yếu kém trong năm nay và đây sẽ không phải là sự phục hồi theo hình chữ V".
Đại dịch COVID-19 có thể xuất hiện nhiều làn sóng bùng phát trong thời gian tới, và những khoản nợ, cũng như các cuộc khủng hoảng tài chính không thể loại trừ, ADB lên tiếng cảnh báo.
Lê Thảo (Lược dịch từ Nikkei & ADB)