ADB: Đầu tư vào năng lượng sạch giúp châu Á – Thái Bình Dương phục hồi sau dịch. Ảnh minh họa: Shutterstock/ VTV.vn
Với tình hình hiện tại, ADB đã đề xuất nhiều phương án về giải pháp kỹ thuật số nhằm cải thiện công tác quản lý chất thải, giảm lượng chất thải được chuyển đến các bãi chôn lấp và tăng tính bền vững để tạo nên nhiều cộng đồng kiên cường hơn.
“Đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch sẽ góp phần giúp châu Á – Thái Bình Dương phục hồi tốt hơn sau dịch và các nền kinh tế trong khu vực cũng sẽ kiên cường hơn trước những cú sốc trong tương lai”, ADB nhấn mạnh trong Diễn đàn Năng lượng sạch châu Á (ACEF) năm 2020, trong đó, thách thức đưa ra bởi ACEF trong năm này là “Số hóa vấn đề thu gom chất thải thông qua xử lý, theo dõi và tái chế”.
Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho biết: “Rõ ràng là cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến việc giải quyết biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác trở thành thách thức lớn hơn. Tuy nhiên, tình hình mang đến cơ hội và chúng ta cần nắm bắt cơ hội để tái xây dựng và xử lý vấn đề một cách thông minh. Là sự kiện năng lượng sạch hàng đầu khu vực, ACEF là diễn đàn lý tưởng để thảo luận về những cơ hội này và đảm bảo năng lượng sạch đóng vai trò cốt lõi trong việc giúp châu Á – Thái Bình Dương trở nên mạnh mẽ hơn trước”.
Đồng tổ chức bởi ADB, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc, ACEF 2020 hiện đang diễn ra từ ngày 15-19/6 để các bên liên quan cùng nhau thảo luận đối phó với đại dịch và đảm bảo hiệu quả về năng lượng. Được biết, chủ đề của ACEF năm 2020 là “Tầm nhìn 20/20: Đổi mới liên ngành vì một tương lai bền vững”, khám phá lộ trình để đạt được những đóng góp liên quan đến năng lượng của các quốc gia theo nội dung Thỏa thuận Paris.
Trong khuôn khổ diễn đàn cũng bao gồm những đổi mới về năng lượng, giao thông và phát triển đô thị; xây dựng ngành năng lượng mạnh mẽ, kiên cường, đặc biệt là tại những quốc đảo nhỏ. Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giải quyết biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí trong công cuộc phục hồi sau dịch, ADB thông tin.
Tính từ năm 2008 – 2019, ADB đã đầu tư hơn 23 tỷ USD vào năng lượng sạch.
Năm 2019, ngân hàng đã đầu tư cho khí hậu một khoản kỷ lục là 6,59 tỷ USD, đáp ứng mục tiêu tăng gấp đôi các khoản đầu tư khí hậu hàng năm đưa ra từ năm 2014, trước 1 năm so với kế hoạch ban đầu. Theo chiến lược năm 2030: ADB nhắm mục tiêu đầu tư tích lũy cho khí hậu 80 tỷ USD lấy từ các nguồn lực của chính mình và triển khai ít nhất 75% hoạt động tại các nước để tìm ra những sáng kiến thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)