Thế giới

ADB và New Hope ký thỏa thuận giúp đỡ các hộ chăn nuôi ở Nam và Đông Nam Á

ClockThứ Hai, 02/08/2021 20:43
TTH - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tập đoàn New Hope Singapore Private Limitted (NHS) vừa ký kết một thỏa thuận cho vay trị giá 20 triệu USD để giúp đỡ các hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng như nuôi trồng thủy sản và các loại gia súc khác ở 8 quốc gia trên khắp Nam và Đông Nam Á có thể tiếp tục hoạt động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Dịch tả lợn châu Phi đe doạ sinh kế hàng triệu người ở châu Á

 Hoạt động chăn nuôi ở Nam và Đông Nam Á sẽ được hỗ trợ bởi ADB và New Hope. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+

“Việc thiếu hụt các yếu tố đầu vào cho nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi sẽ gây nên tác động nghiêm trọng đối với tình trạng có sẵn của lương thực, giá cả thực phẩm, cũng như nguy cơ gây ra tình trạng đói nghèo nếu các hạn chế liên quan đến đại dịch vẫn còn, đặc biệt là tại các quốc gia dễ bị tổn thương bởi các tác động kinh tế của đại dịch. Chính vì vậy, khoản vay của ADB sẽ giúp duy trì nguồn cung protein giá cả phải chăng, đồng thời cũng hỗ trợ duy trì sinh kế của các nông hộ sản xuất nhỏ”, Trưởng Bộ phận Đầu tư Kinh doanh Nông nghiệp của Vụ Nghiệp vụ khu vực tư nhân của ADB - Martin Lemoine cho hay.

Theo đó, khoản tài trợ này sẽ hỗ trợ nhu cầu vốn lưu động và chi phí hoạt động tăng cao của NHS tại Bangladesh, Campuchia, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Nepal, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để mua nguyên liệu thô để sản xuất thức ăn chăn nuôi, đồng thời mở rộng chi phí ứng trước lớn hơn và kéo dài thời gian thanh toán cho các nhà phân phối thức ăn và người chăn nuôi. Bên cạnh đó cũng phải kể đến mục tiêu cung cấp sản phẩm bảo hộ cho người lao động.

Được biết, NHS cung cấp thức ăn chăn nuôi và các dịch vụ kỹ thuật cho khoảng 200.000 nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản ở khu vực Nam và Đông Nam Á.

Để bổ sung vào khoản vay, ADB cũng sẽ hỗ trợ cung cấp kỹ thuật cho NHS để tiến hành đào tạo 7.200 phụ nữ nuôi gia cầm, cá ở Bangladesh và Philippines về các phương pháp canh tác tốt nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như cung cấp kiến thức về tài chính, bao gồm việc tập trung vào khả năng tiếp cận tín dụng.

Theo phân tích và nhận định của các chuyên gia, vai trò của chăn nuôi trong nông nghiệp ở Nam và Đông Nam Á rất phức tạp và khác biệt với các nước công nghiệp. Các hệ thống canh tác truyền thống chủ yếu dựa trên hệ thống trồng trọt, chăn nuôi hỗn hợp, với các trang trại nhỏ chiếm ưu thế hơn cả. Mặc dù đóng góp của ngành chăn nuôi vào GDP quốc gia ở hầu hết các nước châu Á nói chung vẫn còn thấp, song nó là nguồn cung protein, khoáng chất và các loại vitamin cần thiết, chất lượng cao cho người dân thông qua thịt, sữa và trứng. Đối với hàng triệu nông dân sản xuất nhỏ, chăn nuôi cung cấp an ninh lượng thực, phân bón... đồng thời cũng được coi là “ngân hàng sống” trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

Trong khi đó, ADB là đơn vị cam kết đạt được mục tiêu về một châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng, toàn diện, bền vững và có khả năng thích ứng, đồng thời duy trì các nỗ lực xóa nghèo cùng cực.

Hạnh Nhi

(Tổng hợp từ ADB & IAEA)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nắng nóng cực đoan bao trùm Đông Nam Á

Nắng nóng cực đoan xảy ra trên nhiều khu vực ở Nam và Đông Nam Á, khiến các trường học trên khắp Philippines phải tạm dừng các lớp học, trong khi cảnh báo nắng nóng được đưa ra ở thủ đô của Thái Lan.

Nắng nóng cực đoan bao trùm Đông Nam Á
Return to top