Thế giới

Ấn Độ: Hàng trăm nghìn tín đồ tụ tập tham dự lễ hội, bất chấp làn sóng COVID-19 gia tăng

ClockThứ Sáu, 14/01/2022 18:27
TTH.VN - Hôm nay (14/1), hàng trăm nghìn tín đồ đạo Hindu đã tham gia lễ hội ngâm mình dưới dòng nước lạnh giá của sông Hằng ở miền bắc Ấn Độ, bất chấp số ca nhiễm COVID-19 ở nước này tăng gấp 30 lần trong tháng qua.

Ấn Độ triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19 lớn nhất thế giớiVaccine ngừa COVID-19 của Ấn Độ được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp

Hàng trăm nghìn người tham gia lễ hội ngâm mình dưới sông Hằng. Ảnh minh hoạ: Reuters/CAND

Những người hành hương theo đạo Hindu đã tụ tập tại Sangam, nơi hợp lưu của ba con sông thiêng ở Ấn Độ, bao gồm sông Hằng, sông Yamuna và sông Saraswati ở thành phố Prayagraj để tham gia lễ hội Magh Mela - một trong những cuộc hành hương thiêng liêng nhất trong Ấn Độ giáo.

Họ tắm trong nước sông Hằng, một nghi lễ mà người theo đạo Hindu tin rằng sẽ rửa sạch tội lỗi của họ và giải thoát khỏi vòng luân hồi của cái chết và sự tái sinh.

Ở phía bắc bang Uttar Pradesh, hàng nghìn tín đồ, chỉ một số ít mang khẩu trang, tập trung hai bên bờ sông ở thành phố linh thiêng Prayagraj.

“Tôi không thể thở khi mang khẩu trang”, Ram Phal Tripathi – một tín đồ đến tham dự lễ hội cùng những người khác trong gia đình cho biết. “Năm nào tôi cũng đến để ngâm mình trong dòng sông thiêng. Làm sao tôi có thể bỏ lỡ sự kiện năm nay được chứ?”

Năm ngoái, cuộc tụ tập tương tự tại một lễ hội của người Hindu ở thị trấn Haridwar thuộc dãy Himalaya, bang Uttarakhand, đã làm lan truyền biến thể Delta tàn phá đất nước và khiến Ấn Độ trở thành một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trên thế giới. Các nhà dịch tễ học đã gọi đây là một “sự kiện siêu lây nhiễm”.

Ấn Độ một lần nữa đang phải đối mặt với sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19, chủ yếu là do biến thể Omicron, nhưng số ca nhập viện thấp, với hầu hết mọi người hồi phục tại nhà.

Hàng triệu người theo đạo Hindu dự kiến ​​sẽ tập trung tại lễ hội trong 47 ngày tới. Nhiều người trong số họ sẽ ở trên bờ sông Hằng trong một tháng để sống cuộc đời của một nhà tu khổ hạnh, với niềm tin sẽ nhận được sự cứu rỗi.

Sự kiện này làm dấy lên lo ngại rằng những người hành hương có thể bị nhiễm COVID-19 và mang virus trở lại các thành phố và làng mạc của họ ở khắp các vùng trên cả nước.

Hiện đã có 77 cảnh sát và 12 nhân viên dọn vệ sinh được huy động làm nhiệm vụ tại sự kiện này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Lo ngại sự gia tăng số ca bệnh, các nhà chức trách ở bang Uttarakhand lân cận đã cấm một cuộc tụ tập tương tự.

Trước đó, các chuyên gia y tế đã kêu gọi hủy bỏ lễ hội ở bang Uttar Pradesh, nhưng chính phủ vẫn tiếp tục cho phép tổ chức miễn là các quy tắc an toàn được tuân thủ.

Shesh Mani Pandey, một quan chức cấp cao phụ trách sự kiện, cho biết chỉ những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 và có giấy chứng nhận tiêm chủng mới được phép tham gia nghi lễ tắm sông.

Hôm nay (14/1), Bộ Y tế Ấn Độ ghi nhận 264.202 ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 36,58 triệu ca, với 485.350 ca tử vong.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn Độ, Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình ở khu vực biên giới

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 5/12, nhằm ngăn ngừa nguy cơ tái diễn đối đầu quân sự dọc Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC), Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến hành đối thoại ngoại giao, trong đó nhìn lại những bài học kinh nghiệm từ cuộc đối đầu tại khu vực Đông Ladakh (mà Trung Quốc gọi là Aksai Chin).

Ấn Độ, Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình ở khu vực biên giới
Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai

Trong một phân tích của Morgan Stanley, các thị trường mới nổi như Ấn Độ đang trên đà thúc đẩy tăng trưởng của châu Á, khi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc dần suy giảm. Đáng chú ý, Ấn Độ cùng với các nền kinh tế Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines và Malaysia được dự báo sẽ dẫn đầu tăng trưởng của khu vực.

Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai
Return to top