Nhưng giữa lúc lượng chia sẻ vaccine toàn cầu còn rất hạn chế và kế hoạch phân phối vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa thành công, Ấn Độ lại đi một con đường khác, âm thầm theo đuổi "ngoại giao vaccine".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiêm vaccine Covid-19 tại thủ đô New Delhi ngày 1/3. Ảnh: Reuters
Chiến dịch "Tình bạn Vaccine" đã chuyển hàng trăm nghìn liều vaccine Covishield Ấn Độ, được sản xuất theo giấy phép của Oxford-AstraZeneca, đến khoảng 60 nước.
Ấn Độ từ lâu đã nổi tiếng là "xưởng thuốc" của toàn cầu, sản xuất 20% số thuốc generic (thuốc có hoạt tính tương đương biệt dược gốc nhưng giá thành rẻ hơn) và chiếm tới 62% sản lượng vaccine thế giới. Với ưu thế này, Ấn Độ đã nhanh chóng đi tắt đón đầu khi đại dịch bùng phát.
Trước khi vaccine Covid-19 được phát triển, Ấn Độ đã cung cấp thuốc hydroxychloroquine và paracetamol cho khoảng 100 nước và gửi dược phẩm, bộ xét nghiệm cùng các vật tư y tế khác đến 90 quốc gia.
Sau đó, thậm chí trước khi vaccine Oxford-AstraZeneca được phê duyệt, Adar Poonawalla, người đứng đầu Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) thuộc sở hữu tư nhân, đã quyết định sản xuất nó trong một "canh bạc tỷ đô".
Khi vaccine được phê duyệt, SII đã cho ra lò hàng triệu liều, cung cấp cho chính phủ để sử dụng trong nước lẫn xuất khẩu.
Vaccine đã được vận chuyển đến hầu như tất cả các nước láng giềng của Ấn Độ, gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Sri Lanka, Maldives, Myanmar và Nepal, đồng thời tới cả những nơi xa hơn như Seychelles, Campuchia, Mông Cổ, Caribbean cùng một số nước ở châu Phi.
Vaccine giúp Ấn Độ hàn gắn mối quan hệ căng thẳng với Bangladesh và củng cố quan hệ hữu nghị với Maldives.
Trái với các loại vaccine của phương Tây được cho là có giá thành khá cao, vaccine Ấn Độ được quảng bá là an toàn hơn, tiết kiệm chi phí, đồng thời không yêu cầu phải bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ cực thấp.
Ấn Độ cũng có những tính toán của riêng mình khi thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine, trong đó mục tiêu cao nhất là nâng cao vị thế địa chính trị. Vào thời điểm mà hầu hết các nước giàu có hơn đều bị chỉ trích vì tích trữ vaccine, hình ảnh Ấn Độ trở nên nổi bật vì đã gửi 33 triệu liều vaccine tới các nước nghèo hơn, trong khi hàng triệu liều khác đang chờ chuyển đi.
Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, chiến lược ngoại giao vaccine của Ấn Độ còn nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc, giữa lúc căng thẳng Bắc Kinh - New Delhi ngày càng gia tăng sau các cuộc đụng độ dọc biên giới.
Ấn Độ không chỉ vượt lên Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp vaccine giá rẻ và dễ tiếp cận, họ còn hành động nhanh và hiệu quả hơn.
Ví dụ, Trung Quốc đã thông báo viện trợ Myanmar 300.000 liều vaccine nhưng vẫn chưa chuyển giao, trong khi Ấn Độ đã cung cấp 1,7 triệu liều cho nước này. Tương tự, vaccine Ấn Độ cũng lấn át Trung Quốc ở Campuchia và Afghanistan.
Tại Brazil, các cuộc khảo sát cho thấy 50% người dân tham gia thăm dò nói họ không muốn tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc. Tổng thống Jair Bolsonaro đang hướng tới vaccine của Ấn Độ và bày tỏ lòng cảm ơn nước này trên Twitter.
Vaccine Ấn Độ thậm chí còn đến được cả những quốc gia giàu có. Anh đã đặt hàng 10 triệu liều vaccine từ SII. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã hơn một lần gọi điện cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặt mua hai triệu liều vaccine. 500.000 liều đầu tiên sẽ được giao trong vài ngày nữa.
Thủ tướng Trudeau từng tuyên bố rằng chiến thắng của thế giới trước Covid-19 sẽ là nhờ "năng lực dược phẩm to lớn của Ấn Độ và khả năng lãnh đạo của Thủ tướng Modi nhằm chia sẻ năng lực này với thế giới".
Ấn Độ đang tận dụng khả năng sản xuất vaccine nhằm truyền đi thông điệp rằng họ hoàn toàn có thể chống lại sự thống trị về địa chính trị và kinh tế của Trung Quốc.
Trong khi Trung Quốc chưa công khai dữ liệu vaccine, dẫn đến hàng loạt tranh cãi về tính hiệu quả của chúng, Ấn Độ lại mời các đại sứ nước ngoài tham quan nhà máy dược phẩm ở Pune và Hyderabad.
Sự tương phản trong hành động giữa Ấn Độ với các quốc gia phương Tây giàu có cũng không kém phần nổi bật.
Theo Viện Y tế Toàn cầu Đại học Duke, các quốc gia phát triển chiếm 16% dân số thế giới, gồm Canada, Mỹ và Anh, đang tích trữ 60% nguồn cung vaccine toàn cầu để sử dụng cho người dân nước mình. Số vaccine họ đặt mua còn vượt gấp nhiều lần dân số.
Những nước khác cũng yêu cầu thu mua vaccine vượt nhu cầu trong nước gồm Australia, Chile, cùng một số thành viên Liên minh châu Âu (EU). Việc Ấn Độ chọn cách chia sẻ nguồn vaccine thay vì chặn xuất khẩu đã khiến thế giới chú ý.
New Delhi còn hứa cung cấp 1,1 tỷ liều cho chương trình COVAX của WHO nhằm phân phối vaccine tới các nước nghèo.
Thủ tướng Modi từng tweet, "chúng ta phải sát cánh trong cuộc chiến với đại dịch này. Ấn Độ cam kết chia sẻ các nguồn lực, kinh nghiệm và kiến thức vì lợi ích toàn cầu".
Nếu có bất kỳ mối lo âu nào thì đó là việc New Delhi đến nay xuất khẩu lượng vaccine nhiều gấp ba lần so với số mà họ đã tiêm cho người dân. Nước này khó đạt mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người vào tháng 8 năm nay, khi mới chỉ tiêm được cho ba triệu nhân viên y tế trong chiến dịch được khởi động từ ngày 16/1.
Bên cạnh đó, số ca nhiễm mới nCoV của Ấn Độ vẫn chưa có chiều hướng giảm, trong khi các biến thể mới xuất hiện có khả năng không đáp ứng với những loại vaccine hiện tại. Mặt khác, nền kinh tế Ấn Độ vẫn chưa hồi phục do tác động từ đại dịch. Tất cả điều này sẽ làm gia tăng thách thức của New Delhi trong nỗ lực hoàn thành nghĩa vụ với những nước đang phát triển khác.
Giải quyết các thách thức là nhiệm vụ sống còn với Ấn Độ. Chính sách ngoại giao vaccine là cốt lõi cho khát vọng được công nhận là cường quốc toàn cầu của nước này.
Để chống lại đại dịch, New Delhi đã phải gồng mình và lấy bớt nguồn lực từ các dịch vụ chăm sóc y tế thông thường và việc sản xuất thuốc generic.
Không chắc liệu việc thúc đẩy quyền lực mềm thông qua ngoại giao vaccine có giúp nâng cao đáng kể vị thế của một quốc gia trên trường quốc tế hay không. Tuy nhiên, khi các ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được sắp xếp lại, các chính phủ sẽ biết ai đã làm nhiều nhất để cứu thế giới khỏi một đại dịch chết người, giới chuyên gia đánh giá.
Theo Vnexpress