|
Ấn Độ vẫn sẽ tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2024 nhờ tăng cường chi tiêu của chính phủ và lĩnh vực dịch vụ phát triển mạnh. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Báo Tin tức |
Nhiều yếu tố khác nhau đang giúp thúc đẩy tiền trình tăng trưởng của Ấn Độ, có thể kể đến việc tăng cường chi tiêu của chính phủ và sự phát triển sôi động của lĩnh vực dịch vụ.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ riêng thành tích mạnh mẽ của nền kinh tế này trong năm 2023 đã đóng góp hơn 3/4 mức tăng trưởng của Nam Á, đánh dấu tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các thị trường mới nổi và đang phát triển.
Mối lo ngại về lạm phát
Tuy nhiên, lạm phát vẫn là mối lo ngại của các chủ doanh nghiệp tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Cụ thể, trong khi các chủ doanh nghiệp vui mừng vì nền kinh tế Ấn Độ đã phát triển trở lại, họ đồng thời cũng lo lắng về lạm phát, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Ấn Độ dao động trên 4,25% vào năm 2023.
Một chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm nổi tiếng ở ngoại ô Mumbai nhận xét về tình hình này rằng: “giá cả không nên đắt hơn. Nếu tình trạng này tiếp tục, lượng khách sẽ giảm đi và công việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng”.
Được biết, Ấn Độ là nền kinh tế dựa vào tiêu dùng và mặc dù nước này đang được hưởng lợi từ thu nhập ngày càng tăng, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo rằng tăng trưởng từ chi tiêu của người tiêu dùng có thể giảm dần, do ảnh hưởng của nhu cầu bị dồn nén sau đại dịch giảm dần.
Do lạm phát lương thực vẫn ở mức cao, chi tiêu của các hộ gia đình có thu nhập thấp có thể sẽ bị hạn chế.
Theo các nhà kinh tế, lạm phát dự kiến sẽ duy trì ở mức trên 4%, kéo dài cho đến tháng 3/2024 và chạm mốc trung bình 4,8% từ tháng 4 trở đi.
Triển vọng tăng trưởng vẫn tươi sáng
Bất chấp lo ngại, dự báo tổng thể đưa ra bởi các chuyên gia vẫn chỉ ra triển vọng tươi sáng cho tăng trưởng của Ấn Độ, ngay cả khi Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo mới nhất đã nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua 5 năm tăng trưởng GDP tồi tệ nhất trong vòng 30 năm qua.
WB kỳ vọng, Ấn Độ sẽ giữ vững vị trí dẫn đầu với mức tăng trưởng dự kiến là 6,4% trong năm tài chính tiếp theo, bắt đầu từ tháng 4 này. Sự tăng trưởng của nước này sẽ được thúc đẩy bởi đầu tư công và bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp được cải thiện.
Trong một ý kiến có liên quan, các chuyên gia tài chính cũng lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Họ cho rằng, có nhiều yếu tố đang thúc đẩy sự tăng trưởng và chủ yếu là sức mạnh đang được xây dựng, nhờ có nhiều tiềm năng đang hoạt động. Nỗ lực phát triển của Ấn Độ được thể hiện khá rõ trong tiến trình số hóa và chi tiêu vốn của chính phủ.
Tuy nhiên, chúng vẫn có thể bị cản trở bởi môi trường toàn cầu yếu kém, cộng thêm các yếu tố bên ngoài như thời tiết khắc nghiệt và áp lực kinh tế do tình hình xung đột đang diễn ra trên thế giới.
Một yếu tố khác cũng được nhắc đến là sẽ tác động đến nền kinh tế Ấn Độ là cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, theo kế hoạch sẽ được tổ chức từ tháng 4 đến tháng 5 năm nay.