Thế giới

An toàn thực phẩm thời COVID-19

ClockThứ Sáu, 28/08/2020 09:01
TTH.VN - Tạp chí The ASEAN Post vừa đăng tải bài viết của bà Wendy Pek Kui Lim, giảng viên và nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Taylor’s (Malaysia) cho hay, gần đây, một người điều hành của một nhà hàng ở Kedah, tiểu bang ở phía tây bắc Malaysia, đã không tuân thủ quy định bắt buộc cách ly tại nhà sau khi trở về từ Ấn Độ và có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào ngày 28/7, dẫn đến chùm ca bệnh Sivaganga, bao gồm các nhân viên của nhà hàng và khách hàng của người này.

Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới: Mọi người đều đóng vai tròFAO, WHO dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy an toàn thực phẩmLHQ: Đại dịch có thể châm ngòi cho tình trạng khẩn cấp lương thực toàn cầu

Người dân đeo khẩu trang khi mua sắm thực phẩm để phòng lây nhiễm COVID-19. Ảnh minh họa: THX/ TTXVN

Giám đốc Y tế Malaysia, ông Noor Hisham Abdullah nhận định, chùm ca bệnh Kedah có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn so với 9 chùm ca bệnh ở những tiểu bang khác trong nước, có thể do một chủng virus COVID-19 “siêu lây lan”.

Điều này đặt ra câu hỏi: ăn ngoài an toàn như thế nào? Chúng ta có thể tự bảo vệ bản thân như thế nào, không chỉ với tư cách là người tiêu dùng mà còn là những người chế biến và nhà kinh doanh thực phẩm?

Có thể nhiễm COVID-19 từ thực phẩm hay bao bì thực phẩm hay không?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), và nhiều tổ chức y tế công cộng khác, hiện không có bằng chứng cho thấy virus COVID-19 có thể lây truyền qua thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm. COVID-19 là một căn bệnh đường hô hấp, lây lan chủ yếu qua tiếp xúc giữa người với người và tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn đường hô hấp được phát ra khi người bị bệnh ho hoặc hắt hơi.

Trích dẫn từ một tài liệu đã được công bố của WHO, virus COVID-19 và các loại virus khác không thể sinh sôi trong thực phẩm; chúng cần vật chủ là động vật hoặc con người để sinh sôi.

Bên cạnh đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) nói thêm rằng, việc tiêu thụ trứng, sữa, và thịt đã được nấu chín không được coi là trung gian để lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, việc nguồn cung cấp thực phẩm bị nhiễm các mầm bệnh khác, chẳng hạn như các vi khuẩn Salmonella spp., Campylobacter spp., Escherichia coli và Listeria monocytogenes, là mối quan ngại lớn về an toàn thực phẩm trên toàn thế giới.

Thực phẩm có thể bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh cho người từ nhiều nguồn khác nhau trong toàn bộ chuỗi thực phẩm, bắt đầu từ nhiễm bẩn ở động vật sống cho đến khi tiêu thụ. Việc ngăn ngừa sự nhiễm bệnh như vậy sẽ làm giảm bệnh tật do thực phẩm và giảm khả năng xuất hiện các loại virus mới trong chuỗi thực phẩm.

Tiêu thụ thực phẩm sống

Trong đó, WHO đặc biệt nhấn mạnh đến thực hành vệ sinh tốt khi xử lý các loại thực phẩm tươi sống, những loại có thể được tiêu thụ dưới dạng sống và/hoặc không cần phải chế biến thêm. Chẳng hạn như trái cây, rau tươi và thực phẩm ăn liền có thể tiêu thụ mà không cần xử lý nhiệt thêm. Những loại thực phẩm này hầu hết có khả năng bị nhiễm bẩn từ môi trường và người chế biến thực phẩm.

Nhìn chung, điều quan trọng là phải giữ cho các bề mặt tiếp xúc với thực phẩm, thiết bị và dụng cụ sạch sẽ, tuân thủ những bước rửa tay đúng cách, tách riêng thực phẩm sống và chín, đồng thời sử dụng nước sạch để làm giảm nguy cơ tiếp xúc với bất kỳ vi khuẩn và virus nào trong thực phẩm.

Trong khi lây truyền COVID-19 qua đường thực phẩm chưa được báo cáo, việc tránh thực phẩm sống và chưa được nấu chín có nguồn gốc động vật (như thịt, trứng, các sản phẩm sữa) sẽ làm giảm sự tiếp xúc với tất cả các loại virus và những mầm bệnh từ thực phẩm khác. Điều này được khuyến khích đối với các nhóm dân số có nguy cơ cao như người già, trẻ em từ 5 tuổi trở xuống, phụ nữ mang thai và bệnh nhân bị suy giảm hệ thống miễn dịch do điều trị y tế.

Nấu thực phẩm đến nhiệt độ bên trong đạt 70 độ C là đủ để tiêu diệt virus và bất kỳ mầm bệnh nào khác trong thịt và các loại thực phẩm sống khác, bởi virus không chịu được nhiệt. Luôn nhớ rằng, các loại virus không thể sinh sản và phát triển về số lượng trong thực phẩm.

Tuy nhiên, dù trước hay sau khi nấu, các loại thịt phải luôn được bảo quản sao cho đảm bảo chúng không làm nhiễm khuẩn những loại thực phẩm khác, và không bị tái nhiễm bẩn sau khi nấu. Ngoài ra, việc nấu chín đầy đủ thực phẩm đông lạnh cũng được khuyến khích; bởi nhiều nghiên cứu cho thấy, các loại virus chịu được lạnh và có thể được tìm thấy trong thực phẩm đông lạnh lên đến 2 năm ở nhiệt độ -20 độ C.

Ăn ngoài - An toàn là trên hết

Về mặt lý thuyết, virus COVID-19 có thể lây lan trực tiếp từ người sang người khi người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, phát ra các giọt bắn đến mũi, miệng hoặc mắt của người khác. Ngoài ra, do những giọt bắn đường hô hấp quá nặng để bay vào không khí, chúng đọng lại trên đồ vật và bề mặt xung quanh người bị nhiễm bệnh. Do đó, có khả năng virus COVID-19 cũng có thể lây lan khi một người chạm vào các bề mặt bị nhiễm bẩn và sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của họ. Do đó, làm sạch và vệ sinh đúng cách là điều cần thiết để ngăn ngừa lây nhiễm chéo.

Ngoài ra, FAO tiết lộ rằng, hầu hết các mầm bệnh, bao gồm virus gây bệnh COVID-19, có thể bị tiêu diệt bằng đa số các chất khử trùng phổ biến được sử dụng trong chế biến thực phẩm.

Vệ sinh cá nhân của người xử lý thực phẩm

Ngành công nghiệp thực phẩm không nên bỏ qua tầm quan trọng của người xử lý thực phẩm trong việc quản lý sự lây truyền của virus. Trong lịch sử, các nhà khoa học đã phát hiện rằng, việc rửa tay không đầy đủ ở những người chế biến thực phẩm chịu trách nhiệm cho nhiều đợt bùng phát dịch bệnh do thực phẩm.

Đáng chú ý, thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang và găng tay có thể mang lại hiệu quả trong việc làm giảm sự lây lan của virus và bệnh tật trong ngành công nghiệp thực phẩm, nhưng chỉ khi được sử dụng đúng cách. Ngoài ra, ngành công nghiệp thực phẩm cũng được khuyến nghị nên thực hiện các biện pháp giãn cách vật lý, vệ sinh nghiêm ngặt, đồng thời thúc đẩy việc rửa tay thường xuyên và hiệu quả, tuân thủ các Quy trình Hoạt động Tiêu chuẩn (SOP).

Người xử lý thực phẩm có các triệu chứng lâm sàng bệnh đường tiêu hóa hoặc hô hấp không nên tham gia vào quá trình chế biến hoặc chuẩn bị thực phẩm. Cuối cùng, thực hành an toàn thực phẩm tại các cơ sở thực phẩm cần tiếp tục được thực hiện theo những tiêu chuẩn vệ sinh cao nhất, phù hợp với các hệ thống đảm bảo an toàn thực phẩm đã được thiết lập.

Mặc dù thực tế là đại dịch COVID-19 gây ra tác động xấu đến nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm do các biện pháp đóng cửa tạm thời, vẫn có một số tác động tích cực bất ngờ. Viện Y tế và Phúc lợi Phần Lan đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về số ca bệnh do thực phẩm ở quốc gia này từ tháng 3 - 5 năm nay. Cơ quan này tin rằng, điều đó là do đại dịch COVID-19 dẫn đến nhiều hạn chế và khuyến nghị đối với các doanh nghiệp thực phẩm, và từ đó thực hiện việc rửa tay thường xuyên và chuẩn bị thực phẩm cho các nhóm nhỏ hơn, có ít ca bệnh do thực phẩm hơn.

Qua đó, bài viết nhận định: “Liệu rằng, đại dịch khiến chúng ta nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường đối với cuộc sống của chúng ta?”

Lê Thảo (Lược dịch từ The ASEAN Post)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
biểu hiện Bé thiếu canxi Thức ăn Hạt cho mèo

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025
Return to top