|
Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 đang diễn ra ở San Francisco (Mỹ). Ảnh minh họa: Báo Công Thương |
Trung tâm của nền kinh tế toàn cầu
Trọng tâm của cuộc họp này là đánh giá triển vọng kinh tế và tài chính toàn cầu nói chung và khu vực nói riêng trong thời điểm hiện tại, đồng thời cũng tập trung vào những nỗ lực tăng cường khả năng phục hồi tài chính và thúc đẩy cải cách tài chính để xây dựng nền kinh tế trong tương lai dài hạn.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là trung tâm của các nền kinh tế toàn cầu. Các thành viên APEC đại diện cho một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất và năng động nhất trên thế giới, có khả năng thúc đẩy cả tăng trưởng và đổi mới. Vì vậy, những hành động mà chính phủ các nước đã, đang và sẽ thực hiện có ý nghĩa không chỉ đối với nền kinh tế và con người, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với việc giải quyết những thách thức toàn cầu mà thế giới phải đối mặt”.
Trong bài phát biểu với những người đồng cấp, Bộ trưởng Janet Yellen đã khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy nền kinh tế trọng cung vào thời điểm hiện tại hoặc thúc đẩy các chính sách mở rộng năng lực sản xuất của các nền kinh tế, đồng thời cải thiện khả năng phục hồi và giải quyết tình trạng bất bình đẳng.
Những giải pháp được đưa ra bao gồm các chính sách nhằm tăng cường chất lượng và số lượng cung ứng lao động; tăng cường cơ sở hạ tầng công cộng và đầu tư vào nghiên cứu, phát triển bền vững môi trường.
Tài chính bền vững là lĩnh vực trọng tâm
Bên cạnh đó, tài chính bền vững là một lĩnh vực trọng tâm khác trong các cuộc thảo luận của các bộ trưởng.
Cụ thể, Bộ trưởng Janet Yellen nhấn mạnh, phát triển kinh tế và hành động vì môi trường cần phải song hành nếu, thế giới muốn thành công trong công cuộc chống lại sự nóng lên toàn cầu.
Bà tuyên bố với các bộ trưởng tài chính tham gia cuộc họp trong khuôn khổ Diễn đàn APEC 2023 rằng, việc chuyển đổi năng lượng bền vững là hoàn toàn cần thiết để ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ thảm khốc và đây phải là một phần trong nỗ lực đảm bảo việc làm và tăng trưởng.
“Chúng ta cần cải thiện hơn nữa triển vọng kinh tế dài hạn của mình bằng cách thúc đẩy nguồn cung lao động, đổi mới và đầu tư cơ sở hạ tầng theo những cách bền vững và giảm bất bình đẳng”, nữ lãnh đạo chia sẻ.
Theo đó, các quốc gia cần phải đặt mình vào con đường tăng trưởng bền vững, một con đường mà mọi chính phủ, cộng đồng và cá nhân bảo vệ hành tinh của mình, đồng thời cung cấp cho nền kinh tế năng lượng sạch cần thiết để phát triển.
Sau nhiều năm tập trung vào phục hồi sau dịch, năm 2023 được xem là “năm bản lề” đối với APEC, thời điểm mà chính phủ các nước có thể tái tập trung vào việc “thúc đẩy cải cách tài chính để xây dựng nền kinh tế về lâu dài”.
Dù vậy, sự phát triển kinh tế vẫn không thể tách rời khỏi nhu cầu trước mắt là tách nhân loại khỏi các nguồn năng lượng làm hành tinh nóng lên, đồng thời lưu ý rằng các nước kém giàu hơn cần được giúp đỡ để thực hiện các bước nhảy vọt.
Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng
Hiệp định JETP (một cơ chế hợp tác tài chính được thiết lập nhằm giúp một số nền kinh tế mới nổi phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện than có thể thực hiện quá trình chuyển sang sử dụng năng lượng sạch một cách công bằng) đã xác định điều kiện để các nước giàu cam kết hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi năng lượng của các nước đang phát triển.
Đơn cử, JETP dành cho Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã được công bố vào năm ngoái. Trong đó, hiệp định cung cấp nguồn tài trợ công và tư lên đến 20 tỷ USD để đổi lấy việc hạn chế phát thải từ ngành điện vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo bà Janet Yellen, không phải tất cả các hệ thống tài chính đều như nhau. Do đó thị trường tín dụng Carbon cần được kiểm tra để tìm cách cải thiện tính toàn vẹn của chúng.
Có thể nói rằng đây là cơ hội quan trọng để ghi nhận những thành tựu đã đạt được và tái khẳng định cam kết nhằm tiến bộ hơn nữa. Những nỗ lực của các nước là cần thiết cho sức mạnh của nền kinh tế, sự thịnh vượng của người dân và tương lai của nền kinh tế toàn cầu.