ASEAN tăng trưởng chậm hơn so với dự đoán. Ảnh minh họa: Vnexpress
Dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy Đông Nam Á đã tăng trưởng chậm hơn so với dự đoán. Cụ thể, khu vực tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2019 và sẽ đạt mức 4,9% trong 1 năm tiếp theo, giảm lần lượt so với mức 4,9% và 5% đã đưa ra trước đó. Cùng lúc, lạm phát của khu vực trong năm 2019 được dự đoán sẽ giảm xuống còn 2,4%, thấp hơn so với 2,6% của dự báo cũ.
Các nền kinh tế ngày càng phát triển và mở rộng của khu vực đang phải đối mặt với những tác động đồng thời từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và sự sụt giảm trong chu kỳ điện tử, mặc dù những vấn đề này đã được bù đắp một phần nhờ vào nhu cầu nội địa mạnh mẽ.
Trong báo cáo tăng trưởng của ADB, Singapore, Thái Lan và Philippines là những nền kinh tế đã cắt giảm tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2019. Bên cạnh đó, Việt Nam, Indonesia và Malaysia vẫn giữ nguyên mức tăng trưởng GDP lần lượt là 6,8%; 5,2% và 4,5%.
“Ngay cả khi xung đột thương mại vẫn tiếp tục, khu vực vẫn sẽ duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ nhưng điều độ. Tuy nhiên, cho đến khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được thỏa thuận, sự bất ổn vẫn đề nặng lên triển vọng khu vực”, Nhà kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada thông tin.
Singapore, Thái Lan và Phlippines
Sản xuất và thương mại quốc tế yếu kém của Singapore đã và đang khiến nước này chịu mức dự báo GDP trong năm 2019 giảm từ 2,6% xuống còn 2,4%. Tuy nhiên, ngành dịch vụ của Singapore đã hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là về thông tin và truyền thông, điều này được thể hiện rõ nhất khi lĩnh vực này chứng kiến mức tăng khoảng 6,6% so với quý I/2019.
Tại Thái Lan, ADB dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 3,5%, thấp hơn so với mức 3,9% đã đưa ra trước đó. Thương mại toàn cầu yếu hơn khiến xuất khẩu của Thái Lan giảm 4,5% so với 5 tháng đầu năm, kết quả là gây nên gánh nặng đối với tăng trưởng của đất nước. Tiêu dùng cá nhân và đầu tư vẫn duy trì ở mức mạnh mẽ, cộng thêm thu nhập vẫn tăng trưởng bền vững, tỷ lệ thất nghiệp thấp và giá cả ổn định đã và đang điều hướng hỗ trợ thúc đẩy chi tiêu tư nhân.
Ở Philippines, Ngân hàng Phát triển châu Á đã căt giảm dự báo tăng trưởng GDP từ mức 6,4% xuống còn 6,2% do ảnh hưởng từ việc trì hoãn ngân sách quốc gia kéo theo chi tiêu của chính phủ cũng bị trì hoãn. Tương tự như các quốc gia khác trong khu vực, tăng trưởng trong xuất khẩu của Philippines cũng chậm lại. Đây là hậu quả của tình hình hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu mờ nhạt.
Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy việc chuyển hướng trong thương mại và sản xuất đã và đang mang lại lợi ích cho ASEAN. Đơn cử như Việt Nam, đất nước đã chứng kiến xuất khẩu mở rộng khoảng 6,7% trong 5 tháng đầu năm, trong đó nổi bật nhất là việc xuất khẩu sang Mỹ tăng đến 28%.
Quốc gia đạt kết quả tốt nhất trong khối ASEAN
Trong năm nay, Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tăng trưởng trong nửa đầu năm 2019 ước đạt 6,8%, bất chấp tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp bị cản trở bởi dịch tả lợn châu Phi và hạn hán kéo dài. Tăng trưởng trong ngành công nghiệp sản xuất vẫn rất mạnh mẽ với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 27% trong 5 tháng đầu năm 2019 so với 1 năm trước đó.
Được thúc đẩy bởi sự mở rộng nhanh chóng của xuất khẩu hàng may mặc và nhu cầu nội địa mạnh mẽ, GDP của Campuchia tăng lần lượt từ mức 6,9% trong năm 2016 lên 7% trong năm 2017 và 7,3% trong năm 2018. Với mức dự đoán tăng trưởng của năm 2019 đạt 7%, Campuchia là quốc gia chứng kiến sự tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm suy yếu nghiêm trọng tiến trình đầu tư và gây bất ổn định trong tăng trưởng khu vực, những yếu tố khác như giá dầu tăng, mất giá tiền tệ và sự bất ổn xung quanh vấn đề Brexit cũng được xem là những vấn đề, thách thức nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của ASEAN.
Ngoài ra, các mối đe dọa khác đối với tiến bộ và thịnh vượng của khu vực còn có biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Trong đó hậu quả của những vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo và tầng lớp nhân dân dễ bị tổn thương ở các nước đang phát triển.
Nhìn chung, mặc dù nền kinh tế ASEAN vẫn kiên cường đối mặt với những thách thức kinh tế hiện tại, song khu vực vẫn phải cảnh giác khi hoạt động trong một hệ thống thương mại và tài chính toàn cầu ngày càng kết nối.
Có thể nói, tăng cường nhu cầu trong nước sẽ bù đắp cho xuất khẩu yếu hơn, cộng thêm thu nhập tăng, lạm phát giảm... sẽ là những yếu tố thúc đẩy hoạt động kinh tế của khu vực ASEAN.
Đan Lê (Lược dịch từ The ASEAN Post)