Thế giới

ASEAN tìm đường vào thị trường tôm hùm Trung Quốc

ClockChủ Nhật, 28/01/2024 12:29
TTH - Trong một bài phân tích vừa được đăng tải ngày 24/1, tờ SCMP cho biết, với thị trường Trung Quốc, New Zealand và Bắc Mỹ hiện chiếm hơn 3/4 tổng sản lượng tôm hùm nhập khẩu vào nước này, nhưng các nước ASEAN vẫn đang ghi nhận những tín hiệu tích cực. Và các nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với tôm hùm Australia càng lâu thì cơ hội cho các quốc gia Đông Nam Á càng lớn.

Diễn đàn Du lịch ASEAN 2024 (ATF) diễn ra tại LàoAmro duy trì dự báo tăng trưởng năm 2024 cho khối ASEAN+3Thủ tướng Thái Lan thúc đẩy tầm nhìn “ASEAN liền mạch”

Sẽ có cơ chế đặc biệt để Việt Nam xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc. Ảnh: Tuoitre 

Các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, đang tìm kiếm nhiều cơ hội hơn để đưa tôm hùm nước mình lên bàn ăn của người dân Trung Quốc. Theo nhiều nhà phân tích, xu hướng này sẽ không chỉ gia tăng mà còn ngày càng khó đảo ngược khi lệnh cấm kéo dài của Bắc Kinh đối với tôm hùm bông Australia vẫn còn hiệu lực.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nguồn tôm hùm bông chính của Trung Quốc hiện nay là New Zealand, chiếm gần 40% tổng thị phần, tiếp theo là Mexico và Mỹ với tỷ lệ lần lượt là 20% và 16%.

Trong khi đó, ba quốc gia thành viên của ASEAN là Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, đã nỗ lực giành thị phần lớn hơn bằng cách nắm bắt nhu cầu tiêu thụ tôm hùm của Trung Quốc - vốn đã tăng vọt từ những năm 2010 khi tầng lớp trung lưu của nước này gia tăng.

Cánh cửa cho tôm hùm của các nước này vào Trung Quốc đã mở rộng hơn trong gần 3,5 năm qua, kể từ khi Bắc Kinh áp đặt hạn chế nhập khẩu tôm hùm từ Australia do căng thẳng song phương. Và mặc dù mối quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện kể từ năm ngoái, nhưng lệnh cấm này hiện vẫn chưa được dỡ bỏ.

Dữ liệu cho thấy trong năm 2023, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam chiếm 6,8% tổng thị phần nhập khẩu của Trung Quốc - tăng gấp đôi so với năm 2019.

Sự gia tăng này cũng diễn ra khi Bắc Kinh đang tiến gần hơn đến các nước láng giềng Đông Nam Á để giảm bớt những phức tạp địa chính trị ngày càng gia tăng, trong khi tiềm năng thị trường rộng lớn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục thu hút các nhà xuất khẩu Đông Nam Á mở rộng sự hiện diện.

Theo dữ liệu hải quan, Indonesia được xếp là nước xuất khẩu tôm hùm lớn thứ 5 sang Trung Quốc, với giá trị các lô hàng này đạt 18,27 triệu USD trong năm 2023, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm trước đó và chiếm 2,9% thị phần.

Và Thái Lan - đất nước cung cấp loại hải sản này lớn thứ 7 của Trung Quốc, đã chứng kiến các lô hàng tôm hùm của mình tăng gấp 160 lần kể từ năm 2019, từ tổng giá trị 88.123 USD lên 14,1 triệu USD vào năm ngoái, tương đương 2,2% thị phần.

Đối với Việt Nam, xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2022 đã tăng 8,3 lần so với năm 2021, nhờ nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc tăng cao sau thời gian dài đóng cửa vì đại dịch. Tuy nhiên, nhập khẩu tôm hùm của Trung Quốc từ Việt Nam - quốc gia được xếp hạng là nguồn cung lớn thứ 8, đã giảm mạnh trong năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc giảm hơn 46% so với cùng kỳ năm 2022, do Trung Quốc đưa tôm hùm bông vào Danh mục loài cần được bảo vệ cấp độ 2, yêu cầu không được đánh bắt trực tiếp từ biển, phải có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng và không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên.

Thực tế, trước khi lệnh cấm nhập khẩu tôm hùm Australia của Trung Quốc có hiệu lực vào năm 2020, hơn một nửa số tôm hùm ở nước này trong năm 2019 đến từ Australia.

Ông Song Seng Wun, nhà tư vấn kinh tế của CGS CIMB Securities - một công ty dịch vụ tài chính ở Singapore cho biết: “Trung Quốc là một thị trường tiêu dùng lớn và sự vắng mặt của Australia mang lại cho các nhà xuất khẩu thủy sản trong khu vực Đông Nam Á cơ hội lớn để nhắm vào thị trường hải sản này”.

Trong bối cảnh vắng bóng tôm hùm Australia, các nhà xuất khẩu Mỹ cũng đã xâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Trong năm ngoái, Mỹ chiếm gần 16% thị phần tôm hùm Trung Quốc, tăng từ 2,9% năm 2019 và giá trị thương mại liên quan tăng 3,5 lần lên 97,33 triệu USD.

Tuy nhiên, lượng hàng nhập khẩu ngày càng tăng này vẫn chưa lấp đầy được lỗ hổng do lệnh phong tỏa của Trung Quốc đối với Australia để lại. Giá trị nhập khẩu tôm hùm bông của Trung Quốc dao động trên 900 triệu USD trong 3 năm trước lệnh cấm, nhưng kể từ năm 2021, giá trị này đã giảm xuống còn khoảng 600 triệu USD.

Số liệu chính thức cho thấy năm ngoái, giá trị nhập khẩu tôm hùm của Trung Quốc là 629 triệu USD, giảm 31% so với năm 2020.

Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm thương mại đối với than Australia vào năm ngoái khi quan hệ giữa hai nước được cải thiện, và động thái này khiến thị trường suy đoán rằng tôm hùm Australia có thể được phép quay trở lại Trung Quốc.

Đồng thời, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu việc nuôi trồng các giống tôm hùm nước ngoài tại địa phương để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Trong một thông tin mới nhất, sau chuyến công tác và làm việc cùng với đoàn của Bộ NN&PTNT Việt Nam tại Trung Quốc từ 14/1-20/1, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết sẽ có cơ chế đặc biệt để Việt Nam xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc. “Hai bên thống nhất sẽ tạo điều kiện cho tôm hùm bông của Việt Nam tiếp tục trở lại thị trường Trung Quốc, nhưng có điều kiện và hai bên nhất trí sẽ bổ sung vào trong nghị định thư xuất khẩu thủy sản các sản phẩm khai thác tự nhiên”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu ngày 22/1.


Tố Quyên

(Lược dịch từ SMCP & Thuysanvietnam)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông

Theo một bài phân tích trên trang CNA, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại trong khu vực thông qua việc xây dựng mạng lưới giao thông và hậu cần tốt hơn. Điều này cũng sẽ cho phép các quốc gia thành viên tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro địa chính trị và kinh tế đang ngày càng gia tăng.

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông
Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững

Trong phát biểu mới nhất tại hội nghị “Hợp tác Trung Quốc - ASEAN về phát triển và quản lý trí tuệ nhân tạo (AI)” vừa diễn ra tại Trung Quốc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS) Chen Bo kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN về trí tuệ nhân tạo (AI).

Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững
Du lịch nội khối ASEAN đang phát triển nhanh chóng

Theo dữ liệu vừa được công bố của Tập đoàn UOB, du lịch nội khối của các nước Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng, với sự phục hồi về lưu lượng hành khách nói chung trong khu vực. Bất chấp những thách thức kinh tế và xã hội đang diễn ra, nhu cầu du lịch của người dân châu Á nói chung - Đông Nam Á nói riêng vẫn đầy hứa hẹn, trong đó du khách có xu hướng ưu tiên đặt các chuyến đi ngắn ngày hơn và tìm kiếm những chuyến du lịch nhanh ra nước ngoài với chi phí tốt nhất.

Du lịch nội khối ASEAN đang phát triển nhanh chóng
Return to top