Sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời hiệu quả giúp giảm tải cho nhu cầu năng lượng hiện nay. Ảnh: Businesstoday
Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), thế giới có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu sắp xảy ra nếu không có nỗ lực nào được thực hiện để đảo ngược tình hình. Báo cáo của IPCC nêu rõ rằng, trừ khi lượng khí thải giảm đi 1/2 trong vòng 12 năm tới và gần như được loại bỏ vào năm 2050, nếu không nhiệt độ có thể sẽ tăng vượt mức 2 độ C.
Theo các chuyên gia, một trong số các bước đi quan trọng cần được thực hiện để giảm phát thải toàn cầu là chuyển sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, dường như thế giới không chuyển đổi đủ nhanh.
Chỉ số chuyển đổi năng lượng (ETI) được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố gần đây cho thấy, 114 quốc gia trên thế giới không thực hiện chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng bền vững đủ nhanh để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Trong số 114 quốc gia được khảo sát, 93 nước đã có ETI được cải thiện. Singapore, ở vị trí thứ 12, xếp hạng cao nhất ở Đông Nam Á, trong khi Malaysia xếp thứ 15.
Theo ASEAN Post, thuật ngữ "chuyển đổi năng lượng" đề cập đến sự thay đổi từ các hệ thống sản xuất và tiêu thụ năng lượng hiện tại, chủ yếu dựa vào các nguồn năng lượng không tái tạo, sang sử dụng hỗn hợp năng lượng carbon thấp bền vững hơn.
Tuy nhiên, việc một đất nước có sẵn sàng để chuyển đổi năng lượng hay không phụ thuộc vào tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng năng lượng hiện có ở quốc gia đó, độ tin cậy và sự ổn định của các cam kết chính trị lâu dài và nguồn vốn sẵn có để tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Tất cả những yếu tố này vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng sớm ở Đông Nam Á, dự kiến sẽ còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch trong ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Tiêu thụ năng lượng trong khu vực dự kiến sẽ tăng 4% mỗi năm, lên đến 595 MTOE (tương đương 595 triệu tấn dầu) vào năm 2025, chủ yếu do sự gia tăng trong ngành điện lực và công nghiệp. Nhu cầu năng lượng để sản xuất điện dự kiến sẽ tăng 95% vào năm 2025 và cho ngành công nghiệp tăng 63%.
Trước bối cảnh đó, các nước ASEAN đang từng bước chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Sự chuyển đổi này được thúc đẩy bởi các mục tiêu dài hạn như nhu cầu an ninh năng lượng và tiếp cận năng lượng lớn hơn, cũng như giải quyết các vấn đề về sức khỏe con người và suy thoái môi trường.
Trong quá trình chuyển đổi năng lượng, các nước Đông Nam Á đến nay đã thực hiện các chính sách vừa khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo vừa đồng thời tăng hiệu quả năng lượng. Để đạt được mục tiêu 23% năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng vào năm 2025, khu vực cần đẩy nhanh các nỗ lực để tạo ra một môi trường thuận lợi, bao gồm thiết lập các chính sách phù hợp và đúng hướng.
Nói chung, sự chuyển đổi năng lượng ở các nước ASEAN vẫn đang tiến triển. Để đi đúng hướng, nhiều chính sách cần thiết cũng đang được bổ sung. Những gì cần làm tiếp theo là đưa vào các khung pháp lý phù hợp, nhằm giúp thu hút đầu tư nước ngoài cao hơn nữa.
TỐ QUYÊN
(Lược dịch từ The ASEAN Post)