|
Uống nhiều đồ uống có đường không tốt cho sức khỏe của trẻ em. Ảnh minh họa: Shutterstock |
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) cho thấy trẻ em hiện uống trung bình 3,6 khẩu phần đồ uống có đường mỗi tuần, tăng 22,9% so với năm 1990 và tăng mạnh hơn nhiều so với người lớn.
Béo phì ở trẻ cũng tăng theo thời gian và hiện ảnh hưởng đến khoảng 160 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn cầu.
“Những phát hiện của chúng tôi sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo ở hầu hết mọi quốc gia trên toàn thế giới", tác giả chính của nghiên cứu – Tiến sĩ Dariush Mozaffarian tại đại học Tufts (Mỹ) cho biết trong một tuyên bố.
Nghiên cứu được tiến hành với các loại đồ uống có đường, bao gồm soda, nước uống tăng lực, và đồ uống hương trái cây, loại trừ 100% nước ép trái cây và rau quả, đồ uống có đường nhân tạo không chứa calo và sữa có đường, trà và cà phê.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng đồ uống có đường có liên quan đến nguy cơ béo phì cao hơn ở những người trẻ tuổi, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe hơn ở tuổi trưởng thành, bao gồm bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và một số bệnh ung thư.
Ông Berthold Koletzko, Giáo sư nhi khoa tại Đại học Ludwig Maximilian ở Munich và là chủ tịch của Viện Hàn lâm nhi khoa châu Âu, cho rằng “đây là cái giá rất cao đối với sức khỏe cá nhân, không chỉ ở trẻ em mà còn về lâu dài, đồng thời cũng là phí tổn rất cao đối với xã hội”.
Báo cáo mới cho thấy lượng đồ uống có đường được tiêu thụ ở trẻ lớn và thanh thiếu niên cao hơn so với trẻ nhỏ trên toàn cầu. Ở hầu hết các khu vực, tỷ lệ này ở thành thị cũng cao hơn và ở trẻ em có cha mẹ có trình độ học vấn cao hơn, mặc dù sự chênh lệch này không tồn tại ở các quốc gia có thu nhập cao.
Điều đó có thể là do ở các quốc gia có thu nhập thấp, những người ở các khu vực thành thị và những người có trình độ học vấn cao cũng có nhiều tiền hơn và do đó có nhiều khả năng lựa chọn đồ uống có đường hơn, trong khi ở các quốc gia có thu nhập cao thì ngược lại, Giáo sư Koletzko cho biết, nhấn mạnh rằng “đó có thể là vấn đề về khả năng chi trả”.
Đáng lưu ý, nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa thực phẩm siêu chế biến với nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong cao hơn.
Sự khác biệt theo khu vực
Nhìn chung, Mỹ Latinh và Caribe, Trung Đông và Bắc Phi báo cáo mức tiêu thụ cao nhất (lần lượt là 9,1 và 7,3 khẩu phần mỗi tuần). Tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường ở Mỹ Latinh và Caribe đã giảm vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, nhưng gần đây lại tăng trở lại. Theo các nhà nghiên cứu, những thay đổi này phản ánh xu hướng kinh tế của khu vực và sự xuất hiện của các chiến dịch ăn uống lành mạnh, nhưng đồng thời cũng cho thấy tác động từ các hoạt động vận động hành lang của ngành công nghiệp đồ uống này trong 30 năm qua.
“Ảnh hưởng của các tập đoàn đa quốc gia sản xuất thực phẩm siêu chế biến, các chiến lược tiếp thị nhắm vào giới trẻ, việc thiếu các biện pháp quản lý để hạn chế việc tiêu thụ đồ uống có đường cũng liên tục được quan sát thấy ở Mỹ Latinh và các khu vực khác có nền kinh tế đang dần cải thiện”, các nhà nghiên cứu nêu rõ.
Các quốc gia có thu nhập cao, chẳng hạn như các quốc gia ở Tây Âu và Bắc Mỹ, cũng chứng kiến mức tiêu thụ đồ uống có đường ở trẻ em giảm trong giai đoạn 2005-2018 sau khi tỷ lệ này tăng vọt trong giai đoạn 1990-2005. Nguyên nhân có thể là do tỷ lệ béo phì gia tăng và sự ra đời của các loại đồ uống thay thế ít đường hơn, cùng với nhiều yếu tố khác.
Trong số 25 quốc gia đông trẻ em nhất thế giới, Mexico báo cáo trẻ em tiêu thụ lượng đồ uống có đường cao nhất vào năm 2018 (10,1 khẩu phần mỗi tuần), tiếp theo là Uganda (6,9 khẩu phần), Pakistan (6,4 khẩu phần), Nam Phi và Mỹ (mỗi quốc gia 6,2 khẩu phần). Trong khi đó, Ấn Độ và Bangladesh có mức thấp nhất, với 0,3 khẩu phần mỗi tuần.
Ở nhiều nơi trên thế giới, trẻ em uống đồ uống có đường gần như hàng ngày. Ở 56 trong số 185 quốc gia được phân tích, trẻ em uống trung bình ít nhất 7 khẩu phần mỗi tuần, tương ứng với 238 triệu trẻ em và thanh thiếu niên, tức 10,4% thanh thiếu niên trên toàn thế giới.
Tiến sĩ Laura Lara-Castor, đồng tác giả của nghiên cứu, cho rằng những phát hiện này nhấn mạnh “nhu cầu về giáo dục có mục tiêu và các can thiệp chính sách để thay đổi hành vi ngay từ đầu và ngăn ngừa những hậu quả bất lợi liên quan đến việc tiêu thụ đồ uống có đường ở trẻ em”. Các biện pháp can thiệp đó có thể bao gồm việc đánh thuế, đặt quy định về dán nhãn và tiếp thị đồ uống có đường, cũng như các nỗ lực trong trường học nhằm hạn chế trẻ em tiếp cận các sản phẩm này.
“Lượng tiêu thụ đồ uống có đường và xu hướng mà chúng ta đang thấy gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng – một mối đe dọa mà chúng ta có thể giải quyết và phải giải quyết vì tương lai của một thế giới khỏe mạnh hơn”, Tiến sĩ Mozaffarian nhấn mạnh.