Bất bình đẳng giới là rào cản trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Ảnh minh hoạ: Istock
Nghiên cứu cho thấy sự bất bình đẳng giới và các chuẩn mực giới nguy hại đang cản trở việc chấm dứt đại dịch AIDS, với sự gia tăng các ca nhiễm mới và tử vong liên tục ở nhiều nơi trên toàn cầu.
Năm ngoái, thế giới chứng kiến 650.000 người tử vong vì AIDS và 1,5 triệu người nhiễm HIV.
Bà Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành của UNAIDS, cho rằng thế giới sẽ không thể đánh bại AIDS nếu vẫn duy trì chế độ gia trưởng. Theo bà, “lộ trình hiệu quả duy nhất để chấm dứt dịch bệnh AIDS, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo sức khỏe, quyền và sự thịnh vượng chung, là lộ trình bình quyền cho phụ nữ”.
Tác động của bất bình đẳng giới
Theo báo cáo của UNAIDS, ở những khu vực có gánh nặng HIV cao, phụ nữ bị bạn tình bạo hành phải đối mặt với nguy cơ nhiễm virus cao hơn tới 50%.
Trong giai đoạn từ 2015-2021, chỉ 41% phụ nữ đã kết hôn trong độ tuổi 15-24 ở 33 quốc gia có thể tự quyết định về sức khỏe tình dục.
Tác động của bất bình đẳng giới đối với nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ đặc biệt rõ rệt ở khu vực châu Phi cận Sahara, nơi phụ nữ chiếm 63% số ca nhiễm mới HIV trong năm 2021.
Hơn nữa, trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trẻ từ 15-24 tuổi trong khu vực này có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 3 lần so với nam giới.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng dễ bị lây nhiễm HIV của các trẻ em gái giảm tới 50% nếu các em được tiếp tục đi học và hoàn thành chương trình giáo dục trung học, và rủi ro này sẽ còn giảm hơn nữa nếu các bé gái được hỗ trợ đúng mức.
Từ đó, UNAIDS kêu gọi các nhà lãnh đạo đảm bảo cho “tất cả trẻ em gái đều được đi học, được bảo vệ khỏi bạo lực, bao gồm cả các cuộc hôn nhân khi chưa đủ tuổi vị thành niên, và có các con đường kinh tế đảm bảo cho các em một tương lai đầy hy vọng.”
Trong khi đó, “tư tưởng nam tính nguy hại” đang ngăn cản nam giới tìm kiếm sự chăm sóc khi nhiễm bệnh. Chỉ 70% nam giới nhiễm HIV được tiếp cận điều trị trong năm 2021, so với 80% phụ nữ.
Ngoài ra, sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận điều trị giữa người lớn và trẻ em cũng đang cản trở hoạt động ứng phó với AIDS. Trong khi hơn 3/4 số người trưởng thành nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng virus, thì chỉ hơn 1/2 số trẻ em được dùng loại thuốc này.
Năm ngoái, trẻ em chỉ chiếm 4% số người sống chung với HIV, nhưng chiếm 15% tổng số ca tử vong liên quan đến AIDS.
UNAIDS cho biết thêm rằng sự phân biệt đối xử, kỳ thị và hình sự hóa những nhóm dân số chủ chốt trong cuộc chiến chống AIDS cũng đang phải trả giá bằng mạng sống của nhiều bệnh nhân.
Cơ quan này cảnh báo: “Đối mặt với một loại virus truyền nhiễm, việc không đạt được tiến bộ đối với các nhóm quần thể chính sẽ làm suy yếu toàn bộ phản ứng với AIDS và là nguyên nhân cho sự chậm lại của tiến trình”.
Tiến bộ là điều khả thi
Báo cáo cũng tiết lộ rằng tiến trình chống lại sự bất bình đẳng vẫn rất khả thi. Theo đó, các quốc gia cần hành động để đảm bảo tất cả trẻ em gái đều được đi học, giải quyết bạo lực trên cơ sở giới và hỗ trợ các tổ chức phụ nữ.
“Đảm bảo trẻ em có thể tiếp cận được các dịch vụ dành cho trẻ nhiễm HIV và đáp ứng nhu cầu của trẻ, thu hẹp khoảng cách điều trị để chấm dứt AIDS ở trẻ em… Phi hình sự hóa những người có quan hệ đồng giới, người bán dâm và người sử dụng ma túy, đồng thời đầu tư vào các dịch vụ cộng đồng để giúp họ hòa nhập - điều này sẽ giúp phá bỏ các rào cản đối với các dịch vụ và chăm sóc cho hàng triệu người”, UNAIDS khuyến nghị.
Báo cáo cũng cho thấy các khoản hỗ trợ của các nhà tài trợ đang giúp thúc đẩy các chính phủ tăng cường viện trợ. Tuy nhiên, các khoản đầu tư mới để giải quyết bất bình đẳng là rất cần thiết, đặc biệt là trong thời điểm nhiều nước giàu đang cắt giảm viện trợ cho y tế toàn cầu như hiện nay. Rõ ràng, tăng cường hỗ trợ là điều rất quan trọng để đưa hoạt động ứng phó với AIDS trở lại đúng hướng.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN)