Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Malta. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Tình trạng lây nhiễm này đã khiến các quan chức y tế châu Âu cảnh báo, cần có thêm hành động để làm chậm sự lây lan của biến thể Delta.
Theo phân tích của Hãng tin Financial Times về dữ liệu gen toàn cầu từ cơ sở dữ liệu theo dõi virus Gisaid, mặc dù chủng biến thể mới xuất hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số các ca nhiễm COVID-19 ở lục địa châu Âu, nhưng biến thể này đang trở nên phổ biến hơn.
Cụ thể, các tính toán của Financial Times cho thấy, biến thể Delta chiếm 96% các ca nhiễm COVID-19 ở Bồ Đào Nha, hơn 20% ở Italy, và khoảng 16% ở Bỉ.
Số lượng ca nhiễm mặc dù nhỏ nhưng đang gia tăng, làm dấy lên lo ngại rằng biến thể Delta có thể cản trở những tiến bộ mà EU đã đạt được trong 2 tháng qua, trong nỗ lực đưa số lượng các ca nhiễm mới và các ca tử vong xuống mức thấp nhất kể từ ít nhất là vào mùa thu năm ngoái.
Bộ trưởng Y tế Pháp, ông Olivier Veran nói với các phóng viên tại một trung tâm tiêm chủng ở thủ đô Paris rằng: “Chúng tôi đang trong quá trình tiêu diệt virus và chấm dứt đại dịch, và chúng tôi không thể để biến thể Delta chiếm thế thượng phong”.
Trong khi đó, tại Bồ Đào Nha, sự lây nhiễm của biến thể này trong cộng đồng đã được phát hiện ở khu vực Lisbon mở rộng, nơi hơn 60% các ca nhiễm mới của quốc gia này trong tuần qua đã được xác định. Hoạt động đi lại không thiết yếu đến và đi khỏi khu vực nói trên đã bị cấm vào cuối tuần này, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm lan sang phần còn lại của đất nước.
Trong một động thái liên quan, các nhà khoa học trên khắp lục địa hiện đang hướng sự chú ý đến Vương quốc Anh, nơi các ca nhiễm COVID-19 đã tăng gấp 3 lần trong tháng qua, và biến thể Delta chiếm khoảng 98% tổng số các ca nhiễm mới, nhằm tìm kiếm manh mối về những gì có thể xảy ra tiếp theo, cũng như những biện pháp nào cần phải được thực hiện.
Sau khi dữ liệu chính thức cho thấy biến thể Delta dường như làm tăng nguy cơ nhập viện gấp 2,2 lần so với biến thể Alpha, Chính phủ Vương quốc Anh trong tuần này đã quyết định áp dụng trì hoãn thêm 1 tháng đối với việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế còn lại.
Theo nhận định của các nhà khoa học, những chùm ca nhiễm biến thể Delta tại EU có bùng phát thành các đợt bùng phát lớn hơn hay không sẽ phụ thuộc một phần vào số lượng người đã được tiêm chủng đầy đủ; cũng như hành vi của người dân hiện nay, khi nhiều biện pháp hạn chế đối với cuộc sống và hoạt động kinh doanh đang được dỡ bỏ.
Ngoài ra, nghiên cứu gần đây của Chính phủ Vương quốc Anh đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn thành các chương trình tiêm chủng càng nhanh càng tốt. Trong khi ở Vương quốc Anh, khoảng 46% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ tiêm chủng ở hầu hết các quốc gia tại lục địa châu Âu đang dao động ở mức từ 20-30%. Trong khi đó, khoảng 26% dân số ở Pháp đã được tiêm chủng đầy đủ.
Lina, một nhà virus học người Pháp nhấn mạnh: “Nếu chúng ta duy trì tiêm chủng với tốc độ tốt và một số biện pháp can thiệp phi dược phẩm, chẳng hạn như mang khẩu trang trong nhà (nếu sống chung nhà với người bị bệnh), chúng ta vẫn có thể ngăn chặn sự lây lan của virus vào mùa hè này”.
Lê Thảo (Lược dịch từ Nikkei Asia & Financial Times)