Tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều căng thẳng với sự xuất hiện và hoành hành của biến thể Omicron tàng hình. Ảnh minh họa: THX/TTXVN/Vietnam+
Số ca nhiễm gia tăng
Cụ thể, trong những tuần gần đây, số ca nhiễm đã gia tăng đáng kể ở Anh, trong khi Đức tiếp tục ghi nhận số người nhiễm COVID-19 cao kỷ lục, với hơn 250.000 ca nhiễm mới/ngày. Ở các nước khác, như Pháp, Thụy Sĩ, Italy và Hà Lan, các quốc gia này cũng đang chứng kiến những đợt dịch COVID-19 lây lan trở lại. Đây là hậu quả của việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch và sự lây lan của biến thể phụ mới của Omicron, gọi là BA.2.
Các quan chức y tế công cộng và các nhà khoa học cũng đang theo dõi chặt chẽ BA.2, được mô tả là một biến thể tàng hình bởi so với biến thể Omicron ban đầu, nó có đột biến gen có thể khiến biến thể phụ này khó phân biệt với biến thể Delta bằng cách sử dụng xét nghiệm PCR.
Biến thể phụ mới này là biến thể mới nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019. Biến thể Omicron – biến thể dễ lây lan nhất tính đến thời điểm hiện nay đã vượt qua biến thể Delta, loại biến thể trước đó đã vượt mặt Alpha và thậm chí đây cũng không phải là biến thể ban đầu.
Giờ đây, các nhà khoa học Đan Mạch tin rằng biến thể phụ BA.2 có khả năng lây nhiễm cao gấp ½ lần so với chủng Omicron ban đầu. Biến thể BA.2 chịu trách nhiệm cho hơn một nửa số ca nhiễm mới ở Đức và chiếm khoảng 11% tổng số ca nhiễm ghi nhận ở Mỹ.
Con số này dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa, tương tự như tình hình ghi nhận ở châu Âu.
“Rõ ràng là BA.2 dễ lây nhiễm hơn BA.1 và điều này, kết hợp với việc nới lỏng các biện pháp hạn chế và suy giảm khả năng miễn dịch đang góp phần vào sự gia tăng trong số ca nhiễm hiện nay. Khả năng lây nhiễm của BA.2 là không ai có thể qua mặt và chính nó đã thay thế cho biến thể BA.1 và chúng ta có thể sẽ chứng kiến những làn sóng lây nhiễm tương tự khi các biến thể khác xâm nhập vào quần thể”, Lawrence Young, Giáo sự về ung thư học phân tử tại Đại học Warwick cho hay.
Miễn là virus tiếp tục lây lan và nhân rộng, đặc biệt là ở những quần thể chưa được tiêm chủng, hoặc nơi có khả năng miễn dịch do vaccine mang lại suy giảm, thì nó sẽ “tạo ra những biến thể mới và những biến thể này vẫn là một đe dọa ngay cả với các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao”, Giáo sư Lawrence Young cũng lưu ý rằng “Sống an toàn với COVID không có nghĩa là phớt lờ virus và hi vọng nó sẽ biến mất vĩnh viễn”.
Thông tin về BA.2
Biến thể BA.2 đang được theo dõi chặt chẽ bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan y tế công cộng tương tự ở cấp quốc gia, bao gồm cả Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), cơ quan cho biết biến thể này “đang được điều tra”, nhưng chưa đáng lo ngại.
Tuy nhiên, dữ liệu ban đầu cho thấy khi so sánh với BA.1, BA.2 có nhiều khả năng lây nhiễm hơn cho những người tiếp xúc trong gia đình. Hiện biến thể BA.2 được cho là không gây bệnh nặng hơn, hoặc làm tăng nguy cơ nhập viện, song vẫn cần có nghiên cứu thêm để xác nhận điều này.
Tuy số ca nhập viện cũng tăng lên ở một số nước trong khu vực châu Âu do số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trong những tuần gần đây, nhưng nhìn chung mức tử vong vẫn thấp hơn nhiều so với các đợt cao điểm trước đó, nhờ vào sự bao phủ rộng rãi của vaccine phòng COVID-19.
UKHSA đã thực hiện một phân tích sơ bộ, so sánh hiện quả của vaccine chống lại bệnh có triệu chứng gây nên bởi biến thể BA.1 và BA.2, từ đó nhận thấy rằng mức độ bảo vệ là tương tự nhau, với hiệu quả lên đến 77% sau khi tiêm nhắc lại, bất chấp điều này sẽ giảm đi theo thời gian.
Đan Lê (Lược dịch từ CNBC)