ClockThứ Năm, 01/11/2018 15:58

Báo the ASEAN Post: Việt Nam là “ngôi sao đang lên” của du lịch Đông Nam Á

TTH - Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), trong 4 tháng đầu năm 2018, lượng khách du lịch đến Đông Nam Á tăng 10%, mức tăng trưởng cao nhất so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới.

ASEAN đứng trước sự bùng nổ thương mại điện tửASEAN cần dùng AEC làm nền tảng cho sự phát triểnASEAN học được gì từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp?

Du khách nước ngoài mang nón lá, chụp ảnh tại 1 đoạn đường ray xe lửa ở Hà Nội. Ảnh: AFP

Sự gia tăng mạnh mẽ này ở ASEAN vượt xa mức trung bình quốc tế 6% và dự kiến sẽ giúp khu vực kiếm được nhiều hơn con số 131,1 tỷ USD doanh thu trong năm 2017. Nhiều quốc gia khác trong khu vực có mức tăng trưởng du lịch hai con số, bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Campuchia.

“Ngôi sao đang lên”

Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan ghi nhận sự xuất hiện cao nhất của khách du lịch nước ngoài trong năm 2017 với 35 triệu lượt. Quốc gia này cũng đứng thứ 4 trong số các nước có thu nhập từ du lịch cao nhất trên toàn cầu trong năm ngoái với 81 tỷ USD, xếp sau Mỹ với 299 tỷ USD, Tây Ban Nha 96 tỷ USD và Pháp 86 tỷ USD. Điều này chủ yếu là do thời gian lưu trú của du khách nước ngoài tại Thái Lan dài so với ở các nước láng giềng khác, cũng như mức chi tiêu trung bình của khách du lịch ở đây khá cao, đạt hơn 1.624 USD/người.

Đáng chú ý, The ASEAN Post cho rằng, một ngôi sao mới nổi của ngành du lịch trong khu vực là Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam ghi nhận mức tăng khách du lịch nước ngoài lớn nhất khu vực, với mức chi tiêu trung bình 685 USD/khách. Quốc gia này dự kiến ​​sẽ có mức tăng cao hơn nữa trong năm 2018 khi sau 10 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt gần 13 triệu lượt người, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê.

Về cơ cấu, khách đến từ châu Á chiếm thị phần lớn ở Việt Nam với tỷ lệ 77,9% tổng số khách du lịch đến tham quan trong 10 tháng đầu năm 2018, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước, được cho là do sự gần gũi địa lý của khu vực và Việt Nam. Số liệu cũng cho thấy, du khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng, trong đó khách đến từ Trung Quốc đạt gần 4,2 triệu lượt, tăng 28,8%; khách từ Hàn Quốc đạt gần 2,9 triệu lượt người, tăng 48,3%.

Sự tăng trưởng ở Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung đã được UNWTO công nhận, góp phần vào quỹ đạo tăng trưởng không ngừng của ngành du lịch. Ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký UNWTO nói rằng, nguyên nhân cho sự tăng trưởng nhanh chóng này có thể là do các nước bắt đầu hiểu được tầm quan trọng của du lịch như một trụ cột đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội, song song với sự hồi phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Nỗ lực của cả quốc gia

Theo lý giải của The ASEAN Post, sự tăng trưởng trong du lịch của “ngôi sao đang lên” Việt Nam là kết quả từ một nỗ lực phối hợp của chính phủ, trong đó chú trọng việc nuôi dưỡng một ngành du lịch hấp dẫn, cũng như thấu hiểu và giải quyết những thách thức phải đối mặt. Nỗ lực này đã được khởi động với Nghị quyết 08-NQ/TW được ban hành vào tháng 1/2017 về phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Điều này sau đó được chuyển thành các hành động và kế hoạch hành động liên quan đến tất cả các cấp ủy Đảng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như các bộ, ngành và chính quyền địa phương khác.

Các địa phương và doanh nghiệp ở Việt Nam cũng rất chú trọng việc kết nối giao thông, thiết lập hệ thống kỹ thuật và cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Trong năm 2017, có thêm 90 khách sạn ở Việt Nam được công nhận đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao, gồm 13 khách sạn thuộc hạng 5 sao, 31 khách sạn 4 sao và 46 khách sạn 3 sao. Hiện nay, cả nước có 25.600 nơi cư trú du lịch, cung cấp hơn 508.000 phòng, đạt mức tăng 12% tổng số chỗ ở và 11% tổng số phòng so với năm 2016.

Trong thời gian tới, Việt Nam xác định sẽ giải quyết các rào cản đối với khách du lịch nhằm làm tăng sức hấp dẫn của đất nước đối với khách nước ngoài. Theo ASEAN Post, rào cản trước mắt được cho là chính sách thị thực hạn chế so với các quốc gia khác, khi chỉ xếp thứ 116 về mức độ yêu cầu thị thực nhập cảnh trong Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017, thấp nhất trong số các nước ASEAN.

Một điểm thuận lợi đáng chú ý là du lịch hàng không giá rẻ đang tạo ra nhiều cơ hội mới khi biến những nơi xa xôi trở nên dễ tiếp cận hơn, song song với những thay đổi trong ưu tiên cuộc sống của thế hệ “thiên niên kỷ” - những người sinh ra trong những năm 1982-2000 chọn đi lại nhiều hơn so với các giao dịch lớn khác, góp phần tiếp tục đẩy mạnh sự tăng trưởng của ngành du lịch. Về phía doanh nghiệp, các công ty du lịch cũng kêu gọi nhà chức trách và các ban ngành liên quan tìm cách khai thác các thị trường mới có nhiều tiềm năng, nhằm tăng số lượng khách đến và đa dạng hóa thị trường.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ The ASEAN Post & SEA Global)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
Khai mạc giải Giải tennis chào mừng Ngày pháp luật Việt Nam

Sáng 2/11 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh diễn ra Giải tennis kỷ niệm 78 năm Ngày pháp luật Việt Nam (9/11/1946 - 9/11/2024). Đến dự lễ khai mạc có ông Nguyễn Văn Phước, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh và ông Nguyễn Đình Huy, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Huy Thịnh - đơn vị tài trợ chính giải đấu.

Khai mạc giải Giải tennis chào mừng Ngày pháp luật Việt Nam
Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số
Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế

Du lịch Huế đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội đáng tiếc khi không ít khách du lịch tàu biển cập cảng Chân Mây chọn những điểm đến khác mà không phải là Huế. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện sản phẩm du lịch, Huế đang chú ý hơn khâu kết nối, quảng bá để hút khách lên thành phố Huế.

Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế

TIN MỚI

Return to top