ClockThứ Sáu, 06/10/2017 09:25

“Hậu quả kinh tế nghiêm trọng” nếu căng thẳng triều tiên leo thang

TTH - Ngân hàng Thế giới (WB) vừa bất ngờ lên tiếng cảnh báo, những căng thẳng về địa chính trị có thể gây nguy hiểm cho triển vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Trong bản cập nhật kinh tế được công bố ngày 4/10, WB nhận định "tăng trưởng mạnh mẽ hơn dự kiến" của Trung Quốc, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và dự kiến ​​phục hồi giá cả hàng hóa là những nhân tố đóng góp vào mức tăng trưởng kinh tế 6,4% ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong năm 2017. Khu vực bao gồm những nền kinh tế đang phát triển và mới phát triển ở Đông và Đông Nam Á là Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Các công nhân tại nhà máy Samsung Việt Nam. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh những rủi ro đối với triển vọng tích cực của khu vực. Đứng đầu danh sách những căng thẳng về địa chính trị là mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, mà WB cảnh báo "có thể leo thang thành xung đột vũ trang", phá vỡ dòng chảy thương mại và hoạt động kinh tế.

WB hiếm khi đề cập đến những căng thẳng địa chính trị trong các bản cập nhật kinh tế. Tuy nhiên, một số quan chức nói rằng, vấn đề Triều Tiên là "quá thời sự và không thể bỏ qua". Trên thực tế, điều này đánh dấu lần đầu tiên WB nhấn mạnh Bình Nhưỡng và các mối đe dọa địa chính trị theo cách này trong một báo cáo kinh tế quan trọng, tạp chí Nikkei Asian Review cho hay.

Những kịch bản đáng quan ngại

Bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra trên bán đảo Triều Tiên cũng có nguy cơ làm trật bánh cả nền kinh tế và sự ổn định của khu vực. Báo cáo cho biết: "Một số cường quốc thúc giục các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển năng lực hạt nhân, bao gồm các hành động quân sự có thể xảy ra. Việc leo thang những tranh chấp này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế", đặc biệt khi khu vực này đóng vai trò trung tâm trong hoạt động vận chuyển và các chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.

Điều này có thể "phá vỡ dòng chảy thương mại và hoạt động kinh tế toàn cầu", trong khi sự biến động của các thị trường toàn cầu "có thể cản trở triển vọng tăng trưởng của khu vực”, báo cáo nhìn nhận.

Cụ thể, những lo ngại về an ninh như vậy có thể khiến cho các nhà đầu tư "bay đến nơi an toàn", thường đi kèm với khủng hoảng chính trị và có thể khiến dòng vốn chảy khỏi các nền kinh tế khu vực, gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và nâng cao lãi suất toàn cầu. Báo cáo cảnh báo rằng, tác động có thể bao gồm chi phí bảo hiểm cao hơn đối với những tàu chở hàng hoạt động trong khu vực và sự tăng vọt trong giá cả hàng hóa thế giới.

Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cũng có những quan ngại tương tự. Phát biểu tại một sự kiện khác của WB ở thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 3/10, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati bày tỏ mối quan tâm về các vấn đề "địa chính trị và an ninh" trong khu vực.

“Những gì đang xảy ra thực sự làm tôi lo lắng, bởi nó đang tạo ra một môi trường hoàn toàn khác biệt cho chúng ta", bà Indrawati khẳng định; đồng thời chỉ ra rằng, những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng sôi động của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm cả sức mua đang tăng của tầng lớp trung lưu có thể "thay đổi hoàn toàn", do những nguy cơ về địa chính trị và an ninh.

"Điều này khiến ASEAN giống như các khu vực khác; trong đó biến động, dễ bị tổn thương, an ninh, địa chính trị trở thành những yếu tố có ảnh hưởng lớn. Đó là điều mà chúng ta cần phải xem là nguy cơ từ phía bên ngoài", Bộ trưởng Tài chính Indonesia lưu ý.

Ảnh hưởng lớn đến Việt Nam

Trong một động thái liên quan, báo cáo của cơ quan đánh giá Moody's cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu cuộc xung đột nói trên xảy ra. "Một cuộc xung đột kéo dài sẽ ảnh hưởng đến phát triển tín dụng của các quốc gia trên thế giới thông qua một số kênh khác nhau", ông Martin Petch, chuyên gia tín dụng cấp cao của Moody nhận định.

Qua đó, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ phải chịu tác động rõ rệt, và cũng ảnh hưởng đến Việt Nam. Nhiều công ty Hàn Quốc, bao gồm những công ty khổng lồ như Samsung Electronics và LG Electronics đã và đang kết hợp với Việt Nam trong chuỗi cung ứng của họ.

Theo số liệu thống kê, khoảng 20% ​​hàng hóa trung gian nhập khẩu Việt Nam đến từ Hàn Quốc. Trong khi xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc chiếm hơn 5% tổng sản phẩm quốc nội, mức cao nhất thế giới.

Chính vì thế, ông Petch cho rằng: "Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương nhất khi có bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng toàn cầu, do sự chấm dứt hoặc suy yếu trong hoạt động sản xuất ở Hàn Quốc".

LÊ THẢO

(Tổng hợp và lược dịch từ Nikkei, Newsjs & Worldbank)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Khi người dân có “điểm tựa”

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, người dân Phú Vang đã nỗ lực vươn lên, chung sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Khi người dân có “điểm tựa”
Return to top