ClockThứ Tư, 10/05/2017 13:24

Nhận định chính sách kinh tế của tân Tổng thống Pháp Macron

Trong bài độc quyền dành cho VOV, GS Đại học Harvard (Mỹ), Dani Rodrik cho rằng các chính sách kinh tế của ông Macron "gần như chắc chắn đúng"...

Tổng thống Putin kêu gọi ông Macron hợp tác với NgaÔng Macron giành chiến thắng với tỷ lệ 66,1%Ông Trump và ông Macron có khả năng hợp tác về châu Âu5 lý do giúp ông Macron đắc cử Tổng thống PhápTân Tổng thống Pháp Macron sẽ làm gì với Châu Á?

Chiến thắng của ông Emmanuel Macron trước bà Marine Le Pen là một tin tốt rất cần thiết đối với bất cứ ai ủng hộ những xã hội cởi mở, tự do, dân chủ trước những người theo chủ nghĩa dân tộc, bài ngoại. Tuy nhiên, cuộc chiến chống chủ nghĩa dân túy cánh hữu vẫn còn lâu mới giành thắng lợi.

Ông Macron có một ý tưởng vô cùng tham vọng là hướng tới một liên minh tài khóa Eurozone với ngân khố chung và một bộ trưởng tài chính duy nhất. Ảnh: Getty Images. 
Bà Le Pen nhận được hơn 1/3 số phiếu của cử tri trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 dù chỉ có một đảng duy nhất ngoài “Mặt trận Dân tộc” (NF) của bà là đảng nhỏ mang tên “Nước pháp đứng lên” (Debout la France) của ông Nicolas Dupont-Aignan ủng hộ.

Và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm mạnh so với các cuộc bầu cử Tổng thống trước đó, cho thấy một lượng lớn cử tri bất mãn. Nếu ông Macron thất bại trong vòng 5 năm tới, bà Le Pen sẽ trở lại phục thù và những người theo chủ nghĩa dân túy dân tộc sẽ giành được sức mạnh ở châu Âu và những nơi khác trên thế giới.

Là một ứng viên, ông Macron đã được hưởng lợi từ thời đại chống nhà cầm quyền bởi thực tế là ông đứng bên ngoài các đảng chính trị truyền thống. Thế nhưng là một Tổng thống, thực tế đó lại là một điều bất lợi. Phong trào chính trị của ông, En Marche!, mới chỉ có 1 năm tuổi. Ông sẽ phải tạo được đa số lập pháp từ những bước đầu tiên sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng tới.

Bên cạnh đó, trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống, những sáng kiến kinh tế của ông Macron ông thường bị cáo buộc là thiếu chi tiết cụ thể. Đối với nhiều người cánh tả và cực hữu, ông là người theo chủ nghĩa tự do mới, không có nhiều điều để phân biệt bản thân ông với những chính sách chủ đạo về thắt lưng buộc bụng đã làm châu Âu thất vọng và đưa châu lục này đến bế tắc chính trị hiện nay.

Nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty, người ủng hộ ứng viên theo chủ nghĩa xã hội Benoît Hamon, đã miêu tả ông Macron là đại diện cho “Châu Âu của ngày hôm qua”.

Phần nhiều trong kế hoạch kinh tế cả ông Macron thực sự mang phong cách tự do kiểu mới. Ông đã cam kết sẽ giảm thuế doanh nghiệp từ 33,5% xuống 25%, cắt bớt 120.000 việc làm trong lĩnh vực công và giữ thâm hụt của chính phủ dưới mức giới hạn của Liên minh châu Âu (EU) là 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đồng thời tăng sự linh hoạt của thị trường lao động (một cách nói khác cho việc giúp doanh nghiệp dễ dàng sa thải nhân công hơn).

Nhưng ông cũng đã hứa hẹn duy trì phúc lợi lương hưu và mô hình xã hội mà ông yêu thích có vẻ giống với kiểu mềm dẻo an toàn Bắc Âu (flexicurity) – một sự kết hợp giữa an ninh kinh tế cao với các ưu đãi dựa vào thị trường

Không bước nào trong những bước này sẽ tác động – chắc chắn không trong ngắn hạn – để giải quyết những thách thức chính sẽ định hình nhiệm kỳ Tổng thống của ông Macron là tạo công ăn việc làm. Như Martin Sandbu [cây bút kinh tế gạo cội của Financial Times – ND] đã lưu ý, thất nghiệp là mối quan tâm hàng đầu trong cuộc bầu cử Pháp và nên là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới.

Kể từ cuộc khủng hoảng Khu vực đồng euro (Eurozone), tỷ lệ thất nghiệp của Pháp vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 10% - và gần đến mức 25% ở những người dưới 25 tuổi. Hầu như không có bằng chứng nào rằng tự do hóa thị trường lao động sẽ tăng tỷ lệ việc người có việc làm, trừ khi kinh tế Pháp nhận được một cú huých lớn trong việc tạo ra nhu cầu.

Đây chính là điểm yếu mà những phần khác trong chương trình kinh tế của ông Macron có thể bù đắp. Ông đã đề xuất một kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 50 tỷ euro trong vòng 5 năm, trong đó có thể bao gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xanh kết hợp với việc mở rộng đào tạo cho những người thất nghiệp. Nhưng với thực tế nó chỉ nhỉnh hơn 2% GDP hàng năm của Pháp, một mình kế hoạch kích thích kinh tế này có thể không đủ để nâng tổng thể tỷ lệ có việc làm lên.

Một ý tưởng tham vọng hơn của ông Macron là tiến hành một bước nhảy vọt hướng tới một liên minh tài khóa Eurozone với ngân khố chung và một bộ trưởng tài chính duy nhất. Theo quan điểm của ông, điều này có thể cho phép những chuyển đổi tài khóa lâu dài từ những nền kinh tế mạnh hơn sang những nền kinh tế chịu bất lợi vì chính sách tiền tệ chung của Eurozone.

Ngân sách của Eurozone sẽ được cung cấp bằng cách đóng góp từ thuế của các nước thành viên. Một nghị viện Eurozone riêng biệt [so với Nghị viện châu Âu – ND] sẽ có trách nhiệm giám sát về mặt chính sách và giải trình trách nhiệm. Sự hợp nhất về mặt tài khóa như vậy sẽ tạo điều kiện cho những nước như Pháp tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tạo công ăn việc làm mà không phá vỡ trần tài khóa.

Một liên minh tài khóa được ủng hộ bởi sự hội nhập chính trị sâu hơn mang lại ý nghĩa nổi bật. Ít nhất nó cho thấy một con đường mạch lạc ra khỏi hiện tại trống trơn của Eurozone. Nhưng những chính sách hướng Âu không hề nao núng của ông Macron không chỉ là vấn đề chính trị hay nguyên tắc. Chúng còn quan trọng đối với thành công cho chương trình kinh tế của ông.

Nếu không có sự linh hoạt lớn hơn về mặt tài chính và cả sự chuyển biến từ phần còn lại của Eurozone, nước Pháp sẽ khó có thể sớm thoát khỏi tình trạng thất nghiệp hiện nay. Thành công cho nhiệm kỳ của Tổng thống Macron, do đó, còn phụ thuộc một phần lớn vào sự hợp tác của châu Âu.

Và điều đó đưa chúng ta đến với nước Đức. Phản ứng ban đầu của bà Angela Merkel đối với kết quả của cuộc bầu cử không mấy khích lệ. Bà chúc mừng ông Macron, người “mang hy vọng của hàng triệu người dân Pháp”, nhưng bà cũng nêu rõ rằng, bà sẽ xem xét những thay đổi trong quy luật tài khóa của Eurozone.

Thậm chí nếu bà Merkel (hay chính phủ tương lai dưới sự nắm quyền của ông Martin Schulz) tỏ ra sẵn sàng hơn, vẫn còn vấn đề đối với bầu cử ở Đức. Vốn nhìn nhận cuộc khủng hoảng Eurozone không phải vì vấn đề phụ thuộc lẫn nhau mà là một câu chuyện đạo đức – bởi những người dân Đức tằn tiện, chăm chỉ luôn phản đối những kẻ đã mắc nợ lại còn phóng đãng, hai mặt – nên chính trị gia Đức sẽ không dễ dàng khi thuyết phục cử tri đi theo bất cứ một dự án tài khóa chung nào.

Dự báo trước phản ứng của Đức, ông Macron đã phản bác rằng: “Các bạn không thể nói rằng ‘tôi ủng hộ một châu Âu mạnh mẽ và toàn cầu hóa nhưng phải bước qua xác tôi mới đạt được sự chuyển biến của liên minh’”. Điều đó, theo ông, là công thức cho sự tan rã và chính sách phản động: “Nếu không có sự chuyển biến, các bạn sẽ không cho phép vùng ngoại biên hội tụ và sẽ tạo ra sự phân tán chính trị về hướng cực đoan”.

Nước Pháp có thể không nằm ở vùng ngoại biên của châu Âu nhưng thông điệp của ông Macron cho Đức là rõ ràng. Hoặc là các bạn giúp tôi và chúng ta cùng xây dựng một liên minh thực sự - về kinh tế, tài khóa, thậm chí cả chính trị - hoặc là chúng ta sẽ bị lấn lướt bởi cuộc tấn công của những người theo chủ nghĩa cực đoan.

Ông Macron gần như chắc chắn đúng. Vì lợi ích của Pháp, châu Âu và phần còn lại của thế giới, chúng ta phải hy vọng rằng chiến thắng của ông được tiếp nối bằng sự thay đổi từ tận trái tim của nước Đức./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người dân có “điểm tựa”

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, người dân Phú Vang đã nỗ lực vươn lên, chung sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Khi người dân có “điểm tựa”
Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một trong những nội dung quan trọng của dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã và đang triển khai.

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế
Return to top