Thủ tướng Anh Theresa May chính thức ký thư gửi cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo kích hoạt Brexit, ngày 28/3/2017 - Ảnh: Reuters
Động thái lịch sử
Việc Thủ tướng Theresa May ký bức thư ngày 29/3 và gửi cho Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk, chính thức thông báo về ý định rời khỏi khối này của Anh được coi là một động thái lịch sử, khi trong quá trình tồn tại và phát triển của EU, Anh là quốc gia đầu tiên kích hoạt điều khoản này để rời bỏ liên minh.
Vấn đề Brexit vốn đã được thảo luận từ lâu, nhưng những tác động đi kèm khi Anh chính thức khởi động tiến trình này là điều không thể tránh khỏi. Theo báo cáo mới của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), cơ quan này đang nỗ lực nhằm đảm bảo giới ngân hàng Anh chuẩn bị sẵn sàng cho một loạt các khả năng có thể xảy ra từ tiến trình Brexit. BOE cho biết, bất cứ sự thay đổi đột ngột nào cũng sẽ gây gián đoạn đối với các dịch vụ ngân hàng và thanh khoản thị trường, từ đó ảnh hưởng đến cả nền kinh tế của Anh và EU.
Mặc dù Anh đạt được những số liệu kinh tế khá tích cực từ sau cuộc trưng cầu dân ý năm ngoái, nhưng với những tuyên bố cứng rắn từ chính phủ, "thà không có thỏa thuận còn hơn là thỏa thuận tồi", thì các cảnh báo này vẫn rất đáng lưu tâm.
Mặt khác, tiến trình đàm phán giữa Anh và EU được dự đoán sẽ rất gian nan, vì 2 bên vốn có nhiều điều khoản ràng buộc rất chặt chẽ nên để có thể rút lui khỏi tất cả các ràng buộc pháp lý này một cách phù hợp là việc không dễ dàng, nhất là khi cả Anh và EU đều bày tỏ quan điểm cứng rắn.
Theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon 2007, mọi thành viên có thể tự quyết định rút khỏi Liên minh theo trình tự quy định bởi hiến pháp, thông qua việc thông báo cho Hội đồng châu Âu (gồm 28 lãnh đạo của các nước thành viên, và hiện do Chủ tịch Donald Tusk đứng đầu) về ý định của mình.
Điều 50 cũng quy định, chỉ có nước thành viên có ý định rời khỏi EU mới có quyền quyết định thời điểm ra tuyên bố chính thức. Điều khoản này cũng quy định một nước từng là thành viên EU có thể tìm cách tái gia nhập liên minh, theo các quy định của Điều 49. Tuy nhiên, quá trình xét duyệt tư cách thành viên sẽ được bắt đầu lại từ đầu. Như vậy, sau khi Anh rời khỏi EU, nước này vẫn có thể xin tái gia nhập liên minh nếu muốn.
|
Brexit sẽ tác động đến nhiều khía cạnh rõ nét như: nước Anh được quyền tiếp cận đến khối thị trường chung ở mức nào; quyền tự do đi lại của công dân châu Âu vào Anh ra sao; vai trò của Anh đối với an ninh chung của châu Âu... và rất nhiều vấn đề khác cần bàn luận sau khi nước này ra khỏi EU.
Châu Á không bị ảnh hưởng quá nhiều
Khác với châu Âu, nhiều chuyên gia nhận định rằng, cuộc "ly dị" giữa Anh và EU dường như không có nhiều tác động đến khu vực châu Á, do quan hệ kinh tế giữa hai bên không quá mật thiết.
Theo tờ Straitstimes ngày 29/3, việc kích hoạt Điều 50 sẽ không gây ra sự xáo trộn trên các thị trường chứng khoán, mặc dù động thái này có thể khiến đồng bảng Anh biến động nhiều.
"Khi quá trình Brexit bắt đầu lần đầu tiên vào tháng 2/2016, và khi Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi trưng cầu dân ý, đồng bảng Anh đã giảm nhưng tình hình cổ phiếu vẫn yên ắng", nhà kinh tế Lee Sue Ann của Ngân hàng United Overseas nhận xét. Một phản ứng tương tự cũng xảy ra sau cuộc bỏ phiếu Brexit ngày 24/6, một dấu hiệu khác cho thấy các cổ phiếu nói chung có thể sẽ ổn định, bà lưu ý.
Về dài hạn, các nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đều khẳng định việc này không mấy ảnh hưởng lên nền kinh tế các nước trong khu vực. BBC cũng đồng quan điểm cho rằng, những tuyên bố này là có cơ sở, việc Anh kích hoạt tiến trình rời EU không thể tác động dài hạn trực tiếp lên các nền kinh tế châu Á.
Giải thích cho quan điểm trên, chuyên gia Wellian Wiranto tại OCBC Bank (Singapore) cho biết: "Nếu tính theo phần trăm GDP, xuất khẩu sang Anh của các nền kinh tế như Hong Kong hay Việt Nam chỉ tương đương khoảng 2%-3%. Với phần lớn các nước còn lại như Indonesia hay Malaysia, tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn, chỉ từ 0,2-1%".
Giám đốc đầu tư của Credit Suisse tại châu Á Thái Bình Dương, ông John Woods ngày 29/3 cũng nói rằng: "Chúng tôi không nhìn thấy tác động đáng kể nào từ việc kích hoạt Điều 50 đối với thị trường châu Á, vì giao dịch thương mại và tài chính của khu vực này với Anh vẫn ở mức thấp". Thậm chí, ông còn lạc quan: "Trong một tiến trình đàm phán có tổ chức và trôi chảy, thị trường châu Á có thể hưởng lợi từ việc các nguy cơ chính trị ở châu Âu giảm đi".
Cụ thể, với Singapore, ông Kelvin Tay, giám đốc đầu tư của UBS Wealth Management ở khu vực Nam Á - Thái Bình Dương nhận định, nếu có sự biến động mạnh về đồng bảng Anh sau ngày 29/3, có khả năng đồng USD sẽ tăng đáng kể so với tất cả các loại tiền tệ, bao gồm cả đồng đôla Singapore, tuy nhiên điều này có thể sẽ không tồn tại lâu, và kinh tế Singapore cũng không bị ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp từ tiến trình đàm phán Brexit.
"Theo ước tính, tăng trưởng kinh tế Anh sẽ giảm xuống còn 0,7% trong năm tới, nhưng xuất khẩu phi dầu mỏ của Singapore sang Anh chỉ chiếm 0,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tương tự, xuất khẩu của Anh sang Singapore cũng không đáng kể", bà Lee Sue Ann cho biết. Tuy nhiên, nhà kinh tế này cũng khuyến cáo các thị trường khác theo dõi chặt chẽ tiến trình Brexit để có phản ứng kịp thời.
TỐ QUYÊN
(Tổng hợp & lược dịch từ BusinessInsider, Straitstimes & Bloomberg)