Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi (phải) đang tham quan hệ thống máy phát điện ngoài khơi do Nhật bản sản xuất được trưng bày tại COP25. Ảnh: Asian Nikkei Review
Tuyên bố tại Hội nghị COP25 hôm thứ Tư của ông Shinjiro Koizumi, 38 tuổi, Bộ trưởng Môi trường của Nhật Bản không nhắc đến việc từ bỏ than và cũng không trình bày các mục tiêu giảm carbon quyết liệt hơn.
Trong khi đó, công ty kỹ thuật Chiyoda đã chào mời công nghệ hóa lỏng và vận chuyển hydro của mình tại hội nghị COP25 (dự kiến kết thúc vào ngày thứ Sáu này tại Madrid). Công ty này có kế hoạch dùng tàu chở dầu để vận chuyển hydro lỏng từ Brunei đến Nhật Bản, với khoảng 12 tháng thử nghiệm bắt đầu vào năm tới. Công ty đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hydro để có thể cạnh tranh với các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng mặt trời và gió.
Cũng trong khu vực Gian hàng Nhật Bản tại COP25, Panasonic đã tiết lộ một hệ thống khai thác điện dư thừa trên lưới điện để tạo và lưu trữ hydro. Năng lượng sẽ có thể được sử dụng bởi các nhà máy và hộ gia đình. Công ty khởi nghiệp Challenergy có trụ sở tại Tokyo đã trưng bày các tuabin gió chống bão của mình.
Trên thế giới, hiện có hơn 200 công ty toàn cầu đã tham gia sáng kiến RE100 để cung cấp tất cả năng lượng được sử dụng trong các hoạt động thương mại từ năng lượng tái tạo. Khoảng 30 tập đoàn Nhật Bản tự xem mình là thành viên.
Châu Âu và Nhật Bản có cách tiếp cận chính thức khác nhau đối với việc giảm lượng khí thải carbon của họ. Trong khi các quốc gia lớn ở châu Âu tìm cách loại bỏ việc sản xuất điện đốt than vào những năm 2030 thì Nhật Bản hy vọng than sẽ chiếm 26% trong nguồn cung năng lượng vào năm 2030.
Tại Hoa Kỳ, mặc dù Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố ý định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris 2015 nhưng sản lượng điện mà khối tư nhân sản xuất ra từ các nguồn năng lượng tái tạo năm ngoái tăng gấp đôi so với một thập kỷ trước đó, theo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IREA).
Anh Tuấn (Lược dịch từ Asian Nikkei Review)