Nhật Bản – phạt người lái xe say rượu, phạt luôn “bạn nhậu”
Cảnh sát Nhật Bản đo nồng độ cồn người lái xe bên ngoài căn cứ không quân Kadena. Ảnh: US Air Force
Giới hạn cồn cho phép trong cơ thể người khi lái xe là 0,03% - tiêu chuẩn nồng độ cồn thấp nhất thế giới. Nếu như người lái xe uống rượu và không đủ năng lực điều khiển phương tiện, người đó có thể phải đối mặt với các hình phạt nặng nhẹ khác nhau tùy theo nồng độ cồn có trong máu và hơi thở. Hình phạt bao gồm tạm thời bị tước bằng lái, phạt hành chính lên tới 1 triệu yên (214 triệu đồng) hay thậm chí là 5 năm tù giam.
Hơn thế nữa, tại Nhật Bản, hình phạt cho người lái xe say rượu có thể áp dụng cho cả những người được cho là “tiếp tay cho tội ác” khi cung cấp rượu hay cho người say mượn xe. Hình phạt cao nhất đối với người cho bạn có khả năng lái xe trong tình trạng say xỉn có thể lên tới 1 triệu yên. Trong khi đó, cung cấp đồ uống có cồn cho người có khả năng cao vẫn tiếp tục lái xe sau khi sử dụng bia rượu cũng sẽ bị phạt 500.000 yên (112 triệu đồng).
Theo luật Nhật Bản, ngay cả khi cố tình chấp nhận ngồi sau tay lái một người vừa uống rượu bia, thì người ngồi cùng cũng nhận mức phạt. Tùy thuộc vào nồng độ cồn có trong cơ thể người lái xe, hành khách đi cùng sẽ bị phạt từ 300.000 yên đến 500.000 yên.
Hàn Quốc – 3 ly soju trả giá bằng vài năm ngồi tù
Tháng 7/2019, luật sửa đổi về rượu bia tại Hàn Quốc bắt đầu có hiệu lực. Giới hạn cồn cho phép có trong cơ thể người lái xe đã được sửa đổi giảm từ 0,05% xuống còn 0,03% sau 57 năm. Thông thường chỉ với 3 ly rượu soju – một loại rượu gạo nổi tiếng của Hàn Quốc, nồng độ cồn trong cơ thể một người trưởng thành đã ở mức 0,05%. Hình phạt cao nhất cho người lái xe khi đang say rượu có thể lên tới 5 năm tù giam và/hoặc 20 triệu won (tương đương 400 triệu đồng).
Cảnh sát Hàn Quốc kiểm tra nồng độ cồn người lái xe trên đường. Ảnh: Yonhap
Singapore – Từ chối thổi vào máy đo nồng độ cồn, bị bắt không cần lệnh
Giới hạn nồng độ cồn cho phép trong hơi thở tại Singapore là 0,35% và nồng độ cồn trong máu là 0,08%. Cảnh sát có thể yêu cầu người lái xe cho kiểm tra nồng độ cồn. Nếu như chống đối, cảnh sát có thể bắt ngay người lái xe mà không cần lệnh bắt giữ. Nếu như vi phạm lần đầu đối với tội danh lái xe trong tình trạng say xỉn, người lái xe có thể bị phạt từ 2.000 USD (46 triệu đồng) đến 10.000 USD (231 triệu đồng) hoặc 1 năm tù giam. Với những lần vi phạm tiếp theo, người lái xe có thể đối mặt với mức phạt hành chính từ 5.000 USD (115 triệu đồng) đến 20.000 USD (462 triệu đồng) hoặc 2 năm tù. Bên cạnh đó, người vi phạm sẽ bị thu giữ bằng lái xe ít nhất 2 năm.
Thái Lan – Thẳng tay đưa ra tòa
Giới hạn cho phép nồng độ cồn trong máu đối với người lái xe ở Thái Lan là 0,05%. Đối với những người vi phạm quy định lái xe khi say rượu, họ luôn bị đưa ra xét xử trước tòa. Thông thường, những người vi phạm lần đầu có thể bị tạm giữ giấy phép lái xe trong 6 tháng và phạt 8.000 baht (6 triệu đồng), cộng thêm 20.000 baht (15 triệu đồng) tiền bảo lãnh nếu như được yêu cầu. Hình phạt cao nhất đối với người lái xe khi uống rượu bia là 60.000 baht (45 triệu đồng) hoặc 6 tháng tù giam hoặc cả hai.
Ấn Độ - Ngồi tù từ 6 tháng đến 2 năm
Theo Mục 185 của Đạo luật sửa đổi về xe cơ giới Ấn Độ có hiệu lực từ tháng 9/2019, nếu như máy đo phát hiện nồng độ cồn trong máu người lái xe vượt quá 30 mg/100 ml thì người lái xe có thể bị phạt với mức án 6 tháng tù giam trong lần vi phạm đầu tiên. Nếu tái phạm, người lái xe có thể phải ngồi 2 năm trong tù.
Theo Báo Tin tức/TTXVN