Thủ tướng Anh Boris Johnson với phát biểu của mình. Ảnh minh họa: Reuters/VTV.vn
Theo đó, Thủ tướng Boris Johnson và Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres đã tổ chức một hội nghị bàn tròn với các nhà lãnh đạo thế giới vào đầu tuần này để giải quyết những lỗ hổng lớn về mục tiêu khí thải và tài chính khí hậu.
“Quá nhiều nền kinh tế lớn - một số có mặt tại đây hôm nay, một số vắng mặt đang bị tụt lại quá xa. Tôi sẽ nhấn mạnh lại rằng để thành công, chúng ta cần các nền kinh tế phát triển tìm ra 100 tỷ USD này”, Thủ tướng Boris Johnson khẳng định.
Được biết, cuộc họp kín được diễn ra trong tuần lễ hội nghị cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc với sự tham gia của các nhà lãnh đạo và đại diện của các quốc gia công nghiệp phát triển, các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương.
Những quốc gia tham gia hội nghị bàn tròn gồm có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) như Costa Rica, Maldives, cũng như nhiều nước đang phát triển, có thu nhập trung bình và các quốc gia công nghiệp khác.
Trả lời phỏng vấn của các phóng viên, Thủ tướng Boris Johnson bày tỏ hi vọng rằng Mỹ có thể thực hiện lời hứa đẩy mạnh sự chia sẻ tài chính của mình để đạt được mục tiêu 100 tỷ USD hằng năm.
Đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry - người đại diện cho Mỹ trong cuộc họp đầu tuần này cho biết, Washington sẽ cung cấp nhiều viện trợ khí hậu hơn.
Theo Thủ tướng Boris Johnson, Mỹ đóng một vai trò vô cùng quan trọng, trong đó nước này sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến toàn bộ thế giới.
Cuộc thảo luận bàn tròn được tổ chức nhằm đảm bảo một kết quả thành công tại hội nghị, ngay cả khi các báo cáo cho thấy các nền kinh tế lớn đang đi quá xa trong các mục tiêu giảm phát thải và các cam kết tài chính khí hậu.
Nói một cách rõ ràng hơn, một phân tích của Liên Hiệp quốc về cam kết của các nước theo Thỏa thuận Paris về khí hậu được công bố ngày 17/9 cho biết, đến năm 2030, lượng khí thải toàn cầu sẽ cao hơn 16% so với số liệu ghi nhận vào năm 2010 - vượt xa mức giảm 45% phải đạt được vào năm 2030 mà các nhà khoa học cho là cần thiết để ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu.
Một báo cáo khác do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 17/9 cũng cho thấy rằng các nước giàu có khả năng đã bỏ lỡ mục tiêu đóng góp 100 tỷ USD trong năm 2020 để giúp đỡ các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu sau khi tăng tài trợ chưa đầy 2% vào năm 2019.
Trong một thông tin có liên quan, sau hội nghị bàn tròn vừa qua, Thủ tướng Boris Johnson cho biết ông đã nghe thấy “những tuyên bố đáng khích lệ” về việc tăng cường hỗ trợ tài chính để giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu.
“Liệu cuối cùng các nước phát triển có thể thực hiện hóa khoản hỗ trợ hằng năm trị giá 100 tỷ USD cho các quốc gia đang phát triển hay không? Chúng ta vẫn chưa biết được. Song hôm nay đã có những tuyên bố đáng khích lệ về vấn đề này”, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres cũng hối thúc các quốc gia có triển khai tài trợ và các ngân hàng phát triển đa phương thể hiện sự tiến bộ trong việc đạt được mục tiêu của ông là tăng cường tỷ trọng tài chính dành riêng cho việc giúp các nước thích ứng với biến đổi khí hậu lên 50%, cao hơn so với mức hiện tại là 21%.
Một báo cáo được đưa ra ngày 20/9 bởi Oxfam đã dự đoán rằng chính phủ các nước giàu có sẽ tiếp tục bỏ lỡ mục tiêu 100 tỷ USD, thay vào đó là đến năm 2025 sẽ chỉ đạt 93 tỷ USD - 95 tỷ USD, tức 5 năm sau khi mục tiêu lẽ ra phải đạt được.
Giới chuyên gia nhận định, từ nay đến khi hội nghị COP 26 diễn ra, áp lực là nhóm G20 gồm các nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đẩy mạnh các mục tiêu giảm phát thải trong nước và cam kết vận động viện trợ khí hậu quốc tế.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)