Cần thận trọng mở lại trường học sau dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Telegraph/Dân trí
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (US CDC), đối tượng dễ nhiễm COVID-19 là người lớn, không phải trẻ em.
Cụ thể, cơ quan này cho biết chỉ khoảng 2% trường hợp nhiễm COVID-19 được xác định tại Mỹ là bệnh nhân dưới 18 tuổi. Tỷ lệ này ở Trung Quốc cũng chỉ rơi vào mức 2,2%; Italy là 1,2% và 0,8% ở Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, xét về dân số nói chung, các nhà dịch tễ học cho rằng tỷ lệ này có thể chưa bao gồm trẻ em không có triệu chứng, bởi những người không có triệu chứng thường sẽ không được xét nghiệm nhiễm bệnh.
Thêm vào đó, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng đội ngũ y bác sĩ cần cảnh giác với các trường hợp mắc hội chứng hiếm gặp liên quan đến COVID-19 ở trẻ em, trong đó bệnh này được cho là tương tự bệnh Kawasaki.
Trong một thông tin có liên quan, một nghiên cứu gần đây đã xem xét một cụm các gia đình có người nhiễm COVID-19 cho thấy, nguồn lây nhiễm ban đầu từ trẻ em chỉ chiếm chưa đến 10%.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khác chỉ ra rằng nếu trẻ em đã nhiễm virus, tải lượng virus và khả năng lây bệnh của trẻ cũng tương tự như người lớn. Do đó, chính phủ các nước cần đặc biệt quan tâm và thận trọng trong việc quyết định liệu có nên mở cửa trường học trở lại mà không đề ra bất kỳ hạn chế nào hay không.
Tính đến 7h20 sáng ngày 20/5 theo giờ Việt Nam, thế giới ghi nhận số người nhiễm COVID-19 đã tiệm cận mức 5 triệu trường hợp. Trong đó có 324.535 ca tử vong và gần 2 triệu người đã được chữa khỏi.
Ba quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm lần lượt là Mỹ, Nga và Tây Ban Nha.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA & Worldmeters)