Theo tổ chức Nghiên cứu Toàn cầu - một tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Montreal - thỏa thuận nói trên với Saudi Arabia là hợp đồng xuất khẩu quân sự lớn nhất trong lịch sử Canada nhằm cung cấp các xe chiến đấu bọc thép cho quốc gia Trung Đông này. Giao dịch sẽ cung cấp khoảng 3.000 việc làm tại Canada trong 14 năm, tờ nhật báo Globe and Mail của Canada đưa tin.
|
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Stéphane Dion. Ảnh: Getty.
|
Sau khi Saudi hành quyết 47 tù nhân, trong đó có giáo sĩ nổi bật dòng Shia và là nhà bất đồng chính kiến Sheik al-Nimr Nimr, chính phủ Canada công khai lên án chính phủ Saudi. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Stéphane Dion công khai chỉ trích việc xử tử các giáo sĩ hôm 2/1 và kêu gọi Saudi "bảo vệ nhân quyền, tôn trọng những người bất đồng chính kiến ôn hòa và đảm bảo công bằng trong thủ tục tố tụng tư pháp".
Cũng theo Ngoại trưởng Dion, Canada đặc biệt quan ngại rằng với việc hành quyết giáo sĩ Sheikh Nimr, vương quốc này có thể "tiếp tục thổi bùng" căng thẳng sắc tộc ở Trung Đông.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Globe and Mail, đại diện truyền thông của Ngoại trưởng Dion – ông Adam Barratt cho biết, hợp đồng quân sự của nước này với Chính phủ Saudi vẫn sẽ được tiến hành. "Một công ty tư nhân đang giao hàng theo hợp đồng đã được ký kết với Chính phủ Saudi Arabia. Chính phủ Canada không có ý định hủy bỏ hợp đồng này".
Luật liên bang bắt buộc Ottawa phải xem xét và cân nhắc xem liệu việc vận chuyển vũ khí sang các nước có thành tích nhân quyền kém, chẳng hạn như Saudi Arabia, có khiến người dân địa phương gặp nguy hiểm hay không. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, Saudi là nước "có thành tích nhân quyền kém cỏi" và cho biết các giao dịch của Canada có thể sẽ vi phạm chế độ kiểm soát xuất khẩu của họ.
Ông Cesar Jaramillo, Giám đốc điều hành Dự án Ploughshares - một nhóm chống chiến tranh theo dõi việc bán vũ khí, cho biết lời chỉ trích các vụ hành quyết hàng loạt của Ngoại trưởng Dion không thuyết phục được Ottawa sẳn sàng hủy bỏ việc bán vũ khí.
"Lên án các vi phạm nhân quyền trắng trợn gần đây nhất của chế độ Saudi dường như vô nghĩa trước hợp đồng xuất khẩu quân sự trị giá 15 tỷ USD của Canada sang Saudi," ông Jaramillo nói với Globe and Mail.
Việc xử tử các giáo sĩ, trong đó có giáo sĩ Nimr đã gây phẫn nộ tại Iran, khiến nhiều người biểu tình xông vào tấn công và đốt Đại sứ quán của Saudi tại Tehran. Đáp trả lại, Riyadh đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với Tehran.
Theo nguồn tin, Canada có kế hoạch mở rộng quan hệ ngoại giao với Iran, trong đó có thể bao gồm việc mở lại đại sứ quán Canada tại Tehran.
Trước tình hình hiện tại, nhà phê bình bảo thủ đối ngoại Tony Clement kêu gọi đảng Tự do gác lại ý tưởng trên và cho rằng, "Iran tiếp tục là nhà tài trợ nguy hiểm của các nhóm khủng bố trên toàn thế giới. Chỉ khi Iran bước ra khỏi các hoạt động khủng bố, thì Canada mới nên hành động để khôi phục lại quan hệ".