Thế giới

Cháy rừng đẩy Canada vào top 4 quốc gia phát thải CO2 nhiều nhất thế giới năm 2023

ClockThứ Năm, 29/08/2024 11:39
TTH.VN - Theo một nghiên cứu vừa được công bố ngày 28/8, các vụ cháy rừng kỷ lục năm 2023 đã đưa Canada vào top 4 quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới trong năm ngoái, đồng thời đặt ra nghi ngờ về khả năng thu giữ và lưu trữ lượng lớn carbon dioxide của các cánh rừng trong tương lai.

Thế giới chưa chuẩn bị tốt cho các vụ cháy rừng ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậuChâu Âu sử dụng vệ tinh theo dõi các mối đe dọa khí hậu đối với rừngBiến đổi khí hậu làm tăng 25% nguy cơ cháy rừng dữ dộiSóng nhiệt nguy hiểm tấn công toàn cầu khi cháy rừng hoành hành

15 triệu ha rừng của Canada đã bị thiêu rụi trong năm 2023. Ảnh: TTXVN

Dữ liệu cho thấy trong năm 2023, Canada đã hứng chịu nhiều vụ cháy rừng thảm khốc, với 15 triệu ha - tức khoảng 4% tổng diện tích rừng của nước này - bị thiêu rụi và buộc hơn 200.000 người phải di dời.

Xem xét dữ liệu vệ tinh về luồng khói từ các đám cháy bùng phát từ tháng 5 đến tháng 9 năm ngoái, các nhà nghiên cứu xác định các đám cháy đã giải phóng 2.371 megaton carbon dioxide (CO2) và carbon monoxide (CO), đưa thứ hạng của Canada từ vị trí thứ 11 trước đó lên vị trí thứ 4 trong số các quốc gia phát thải carbon nhiều nhất thế giới năm 2023, chỉ xếp sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng kiểu thời tiết nóng, khô gây ra những đám cháy này dự kiến sẽ trở thành hiện tượng bình thường vào những năm 2050 và “có khả năng làm gia tăng các vụ cháy rừng”. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về việc “liệu các đám cháy xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn trong những thập kỷ tới có gây ảnh hưởng đến khả năng duy trì vai trò là bể chứa carbon của các khu rừng Canada hay không”, Brendan Byrne - tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ.

Rừng phương bắc của Canada, một dải rừng rộng lớn trải dài từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương, chứa một lượng đáng kể thứ được gọi là CO2 “bị cô lập”. Khi những khu rừng bị cháy tái sinh trong nhiều thập kỷ, CO2 do cháy rừng thải ra thường được hấp thụ lại.

Tuy nhiên, sự gia tăng về quy mô và số lượng các vụ cháy hàng năm, cùng với hạn hán ở một số khu vực, có thể khiến rừng mất nhiều thời gian hơn để mọc lại. Điều đó “có thể ngăn chặn quá trình hấp thụ carbon của rừng”, nghiên cứu cho biết.

Trước tình hình đó, Canada sẽ phải điều chỉnh giảm mức phát thải nhiên liệu hóa thạch cho phép để “bù đắp cho quá trình giảm hấp thụ carbon của rừng”.

Được biết, nước này đã nhất trí theo thỏa thuận Paris rằng đến năm 2030 sẽ giảm lượng khí thải carbon từ 40% - 45% so với mức năm 2005.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy tổng lượng khí thải CO2 tương đương của Canada từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong năm 2022 là 708 megaton.

Theo một nghiên cứu khác được công bố hồi tháng 6 trên tạp chí Nature Ecology & Evolution, khi hoạt động của con người làm nóng hành tinh, tần suất và cường độ của các vụ cháy rừng cực đoan đã tăng gấp đôi trên toàn thế giới.

Mặc dù tình hình cháy rừng ở Canada năm nay đã dịu hơn nhưng vẫn gây ra hậu quả thảm khốc ở một số nơi, với thị trấn du lịch Jasper rất được yêu thích ở phía tây nước này đã bị phá hủy một phần vào tháng 7 do các vụ cháy.

Tính đến đầu năm đến ngày 28/8, Canada đã chứng kiến 732 vụ cháy rừng, trong đó 136 vụ cháy ngoài tầm kiểm soát.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quảng bá hình ảnh, tiềm năng địa phương tại Hoa Kỳ và Canada

Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada được kỳ vọng sẽ góp phần giới thiệu hình ảnh, tiềm năng của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đến với bạn bè quốc tế; đồng thời thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại của các đối tác Mỹ và Canada vào Thừa Thiên Huế.

Quảng bá hình ảnh, tiềm năng địa phương tại Hoa Kỳ và Canada
Return to top