Thế giới

Châu Á có số ca tử vong sớm cao nhất thế giới do ô nhiễm không khí

ClockChủ Nhật, 16/06/2024 07:30
TTH - Theo một nghiên cứu gần đây do các nhà nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) dẫn đầu, lượng vật chất hạt mịn (PM2.5) ngày càng tăng trong không khí trong 4 thập kỷ qua có thể liên quan đến cái chết sớm của 135 triệu người trên toàn cầu.

Greenpeace: Ô nhiễm không khí tiếp tục giết chết hàng trăm ngàn người ở châu ÁChâu Á với nỗ lực giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí

 Khói mù bao phủ Mumbai (Ấn Độ) - một trong những thành phố ô nhiễm bậc nhất trên thế giới. Ảnh: iStock

Nghiên cứu ước tính rằng, từ năm 1980 đến năm 2020, châu Á có số ca tử vong sớm cao nhất trên toàn thế giới – 98,1 triệu người, nguyên nhân do ô nhiễm bụi mịn PM2.5.

PM2.5 là chất gây ô nhiễm chủ yếu trong các đợt khói mù xuyên biên giới. Các hạt bụi mịn này đến từ khí thải xe cộ, các quy trình công nghiệp cũng như các nguồn tự nhiên như cháy rừng và bão bụi, nhỏ hơn khoảng 30 lần so với một sợi tóc trung bình, và đặc biệt gây hại cho sức khỏe con người khi hít phải.

Nghiên cứu của NTU cũng phát hiện ra rằng, một số hiện tượng thời tiết nhất định - chẳng hạn như El Nino - làm trầm trọng thêm tác động của PM2.5 bằng cách làm tăng nồng độ các hạt bụi mịn trong không khí. Điều này dẫn đến tỷ lệ tử vong sớm tăng đột biến 14%.

Trong nghiên cứu, tử vong sớm đề cập đến các trường hợp tử vong xảy ra sớm hơn dự kiến dựa trên tuổi thọ trung bình, do các nguyên nhân có thể phòng ngừa hoặc điều trị được như bệnh tật hoặc yếu tố môi trường.

Đứng đầu nghiên cứu, Phó Giáo sư Steve Yim từ Trường Môi trường châu Á của NTU và Trường Y khoa Lee Kong Chian (LKCMedicine) cho biết: “Chúng tôi nhận thấy xu hướng gia tăng rõ ràng đối với các loại bệnh khác nhau, bao gồm hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)… Vì vậy, đây là điều rất quan trọng, là tín hiệu cấp bách rằng, chúng ta nên giảm thiểu vấn đề ô nhiễm không khí, không chỉ ở một quốc gia mà trên phạm vi toàn cầu”.

Gia tăng nguy cơ ung thư phổi, bệnh tim

Các hạt bụi mịn PM2.5 có thể xâm nhập sâu vào phổi của mỗi người do kích thước rất nhỏ, dẫn đến các vấn đề sức khỏe, đặc biệt ảnh hưởng đến các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp.

Hơn hết, những người tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian dài có thể mắc bệnh tim, đột quỵ hoặc thậm chí là ung thư phổi không liên quan đến việc sử dụng thuốc lá.

Theo nghiên cứu của NTU, ô nhiễm PM2.5 đã dẫn đến cái chết sớm của 49 triệu người ở Trung Quốc. Con số này ở Ấn Độ là 26,1 triệu ca. Pakistan, Bangladesh, Indonesia và Nhật Bản cũng ghi nhận số lượng đáng kể số ca tử vong sớm do ô nhiễm PM2.5, dao động từ 2 triệu - 5 triệu ca mỗi nước.

“Chúng tôi thấy ngày càng nhiều người chưa bao giờ hút thuốc lá - đặc biệt là phụ nữ, cũng có thể mắc ung thư phổi, và xu hướng này dường như đang gia tăng trong những thập kỷ qua”, Giáo sư Joseph Sung của LKCMedicine, đồng tác giả nghiên cứu, lưu ý.

Cũng theo Giáo sư Sung, thông qua việc nhận ra những mô hình này, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể chuẩn bị tốt hơn cho khả năng sẽ có thêm nhiều bệnh nhân tìm cách điều trị các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.

Ngoài ra, nghiên cứu ước tính 1/3 số ca tử vong sớm xảy ra trong khoảng thời gian từ 1980 - 2020 có liên quan đến đột quỵ. Một phần ba khác có liên quan đến bệnh tim thiếu máu cục bộ, trong khi phần còn lại có liên quan đến COPD, nhiễm trùng đường hô hấp dưới và ung thư phổi.

9 đợt ô nhiễm không khí lớn mỗi năm

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, có 363 đợt ô nhiễm không khí lớn xảy ra trên khắp thế giới trong 4 thập kỷ qua, với trung bình 9 đợt mỗi năm.

Thời gian của một đợt ô nhiễm không khí thường dao động từ 2 - 9 tháng. Năm 2002 chứng kiến số đợt ô nhiễm nhiều nhất với 15 đợt, tiếp theo là năm 2004 và 2006 với 14 đợt mỗi năm.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét sự thay đổi chất lượng không khí bị ảnh hưởng như thế nào bởi các kiểu khí hậu - bao gồm các kiểu thời tiết El Niño – Dao động phương Nam (ENSO), Lưỡng cực Ấn Độ Dương và Dao động Bắc Đại Tây Dương. Họ ước tính ba hiện tượng này đồng thời gây ra thêm khoảng 7.000 ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn thế giới.

Đáng lưu ý, Đông Nam Á là khu vực dễ bị tổn thương nhất trước sự xuất hiện đồng thời của ba loại kiểu thời tiết này, xảy ra trùng hợp vào các năm 1994, 1997, 2002 và 2015, khiến ảnh hưởng của ô nhiễm hạt bụi mịn trở nên trầm trọng hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy, mỗi năm, khu vực Đông Nam Á có thêm khoảng 3.100 người tử vong sớm do tác động ngày càng tăng của tình trạng ô nhiễm khi nó trở nên tồi tệ hơn do các kiểu thời tiết.

Được biết, nghiên cứu này dựa trên dữ liệu từ bộ dữ liệu do NASA quản lý - nơi cung cấp thông tin hàng tháng về nồng độ PM2.5 trên bề mặt Trái đất, kết hợp với dữ liệu từ Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe - một cơ quan y tế công cộng có trụ sở tại Mỹ, về số ca tử vong trên toàn cầu và sự xuất hiện của các bệnh liên quan đến ô nhiễm.

Tố Quyên (Lược dịch từ CNA)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lượng khách du lịch đến châu Á dự kiến​​ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2025

Năm 2025, lượng khách du lịch đến châu Á được dự kiến ​​sẽ phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19, và tăng 4,7% so với năm 2019, Tạp chí The Business Times ngày 16/12 trích dẫn báo cáo mới nhất của Hãng nghiên cứu thị trường BMI Research, một đơn vị thuộc hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Solutions cho hay.

Lượng khách du lịch đến châu Á dự kiến​​ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2025
IMF: Các nền kinh tế châu Á “đủ sức chống chịu với biến động”

Các nhà kinh tế từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, các nền kinh tế châu Á đủ sức chống chịu với biến động và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vượt qua các thách thức một cách bình tĩnh, trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với nhiều rủi ro nội bộ khác nhau bên cạnh việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ quay trở lại Nhà Trắng.

IMF Các nền kinh tế châu Á “đủ sức chống chịu với biến động”
Châu Á - Thái Bình Dương: 88 triệu người mất an ninh lương thực do những cú sốc khí hậu

Theo báo cáo Triển vọng Toàn cầu năm 2025 vừa được Chương trình Lương thực thế giới (WFP) công bố, nạn đói tiếp tục gia tăng, với 343 triệu người trên khắp 74 quốc gia đang phải trải qua tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tăng 10% so với năm ngoái. Trong đó, tại châu Á - Thái Bình Dương, 88 triệu người đang phải vật lộn với nạn đói do thảm họa liên quan đến khí hậu gây ra.

Châu Á - Thái Bình Dương 88 triệu người mất an ninh lương thực do những cú sốc khí hậu
Return to top