Thế giới

Châu Á - Thái Bình Dương sẽ thống trị về tăng trưởng lưu lượng hàng không toàn cầu

ClockChủ Nhật, 08/09/2024 06:45
TTH - Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ thống trị sự tăng trưởng về lưu lượng hành khách hàng không toàn cầu trong 15 năm tới, với số lượng dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với mức của năm 2019 và đạt 8,7 tỷ USD vào năm 2042.

IATA lo ngại về mục tiêu giảm khí thải carbon trong ngành hàng khôngNgành hàng không toàn cầu nâng triển vọng lợi nhuận năm 2024

 Châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn dư địa để du lịch hàng không phát triển đáng kể trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổng Giám đốc Hội đồng sân bay quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương & Trung Đông (ACI APAC & MID) Stefano Baronci lưu ý, 9 trong số 10 thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới về lưu lượng hành khách hàng không là ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, Philippines dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,2%, kéo dài trong gần 2 thập kỷ cho đến năm 2042.

Trên thực tế, các nước Đông Nam Á đứng đầu danh sách 10 thị trường tăng trưởng nhanh nhất. Cụ thể, Indonesia đứng thứ ba, Thái Lan thứ năm, Việt Nam thứ sáu và Malaysia thứ mười.

Trên toàn khu vực, sự tăng trưởng ổn định sẽ thúc đẩy lưu lượng hành khách từ hơn 3 tỷ vào năm 2023 lên hơn 8 tỷ vào năm 2042. Tổng giám đốc Stefano Baronci lưu ý, 8 tỷ này là số lượng hành khách mà các sân bay trên toàn cầu đã xử lý vào năm 2023.

Những số liệu này nhìn chung khá lạc quan, nhưng theo giải thích của các chuyên gia, sự mở rộng nhanh chóng như vậy trong phân khúc du lịch là do dân số châu Á - Thái Bình Dương đông và nhu cầu đi lại bằng đường hàng không chưa cao. Qua đó, vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác triệt để.

Cụ thể, Tổng giám đốc Stefano Baronci chia sẻ, vào năm 2019, người dân Bắc Mỹ trung bình thực hiện hơn 2 chuyến du lịch/năm và người châu Âu là hơn 1,5 chuyến/năm. Tỷ lệ này ở châu Á thấp hơn đáng kể. Cụ thể, Trung Quốc (0,5 chuyến đi/năm) và Malaysia, Philippines, Việt Nam (dưới 0,4 chuyến đi/năm).

Về tổng lượng hành khách, hiện chỉ có 3 trong số 10 thị trường hàng đầu là các nước ở châu Á. Nhưng đến năm 2032, Indonesia dự kiến sẽ lọt tốp cao; cùng với đó là Thái Lan sẽ ghi tên mình vào danh sách các thị trường hàng đầu vào năm 2043 và Việt Nam sẽ là ngay sau đó.

Chuẩn bị cho sự tăng trưởng

Ước tính, cần khoảng 2,4 nghìn tỷ USD về chi tiêu vốn cho các sân bay trên toàn thế giới; nhu cầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm hơn một nửa trong số này, tương đương 1,3 nghìn tỷ USD để đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Hiện các sân bay trong khu vực đã và đang nỗ lực để đáp ứng mục tiêu.

Được biết, Singapore đang xây dựng Terminal 5 tại Sân bay Changi; Campuchia sẽ có một sân bay quốc tế mới vào năm tới; cùng với đó là đường băng và nhà ga mới cũng được xây dựng tại Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản. Việc nâng cấp cơ sở vật chất cũng đang được thực hiện ở Malaysia và Philippines.

Giới chuyên gia nhận định: “Một trong những yếu tố khiến châu Á có sức cạnh tranh hơn so với các khu vực khác là quyền xây dựng được thực hiện nhanh hơn, tức việc phê duyệt đề án xây dựng của chính quyền và quá trình ra quyết định diễn ra nhanh hơn ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Điều này chứng tỏ sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, giữa các sân bay, giữa quá trình tham vấn với các hãng hàng không đã phát huy hiệu quả”.

Thách thức ở phía trước

Bất chấp triển vọng lạc quan, những thách thức về chuỗi cung ứng vẫn còn rất lớn.

Điều này được thể hiện trong việc hai hãng sản xuất máy bay lớn là Airbus và Boeing đang phải vật lộn để đáp ứng đơn đặt hàng do thiếu hụt phụ tùng và lao động trong ngành. Điều này khiến các hãng hàng không phải cắt giảm năng lực bay.

Đơn cử, Malaysia Aviation Group, công ty mẹ của Malaysia Airlines, vào ngày 29/8 vừa qua đã thông báo sẽ cắt giảm 20% hoạt động trong mạng lưới của mình trên tất cả các hãng hàng không trong năm nay.

Vào tháng trước, Vietnam Airlines cũng đã giảm tần suất chuyến bay.

Tổng giám đốc Stefano Baronci cho biết: “Nguồn cung đang hạn chế khả năng phục hồi nhanh hơn của các sân bay”.

Ông cũng lưu ý rằng, những khó khăn hiện tại về chuỗi cung ứng chủ yếu ảnh hưởng đến biên lợi nhuận, nhưng các nhà điều hành sân bay vẫn lạc quan về nhu cầu đi lại bằng đường hàng không. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm những quốc gia có dân số đông, với nhiều người có khả năng kiếm tiền tốt và mặc dù xu hướng đi máy bay hiện nay vẫn còn thấp, song điều này chỉ có nghĩa là vẫn còn dư địa để du lịch hàng không của khu vực phát triển đáng kể trong thời gian tới.

“Các quốc gia đều biết rõ rằng không có phương tiện nào thay thế được vận tải hàng không. Một trong những cách chính để kết nối quốc tế là vận tải hàng không. Vì vậy, các quốc gia trong khu vực phải đầu tư vào nó”, Tổng giám đốc Stefano Baronci nhấn mạnh.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ The Business Times)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều nước châu Á cần tăng cường tái chế để giảm ô nhiễm nhựa

Với chủ đề “Thực hiện hành động chấm dứt ô nhiễm nhựa”, diễn đàn SEA of Solutions (SoS) 2024 vừa được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan vào cuối tuần qua đã kêu gọi các quốc gia châu Á mới nổi, đặc biệt là ở Đông Nam Á, cần phân bổ nhiều nguồn lực hơn vào tuần hoàn nhựa để giảm ô nhiễm nhựa và đảm bảo phát triển bền vững.

Nhiều nước châu Á cần tăng cường tái chế để giảm ô nhiễm nhựa
Return to top