Thế giới

Cháy rừng tiếp tục hoành hành ở Mỹ, khói lan đến châu Âu

ClockThứ Năm, 17/09/2020 15:19
TTH.VN - Tờ AFP ngày 17/9 dẫn lời các nhà chức trách cảnh báo, tiểu bang California (Mỹ) sẽ phải đối mặt với sự tàn phá nặng nề hơn từ các đám cháy rừng ở khu vực Bờ Tây, khi gió mạnh và điều kiện thời tiết nóng khô được dự báo ​​sẽ thổi bùng những ngọn lửa từ hàng chục đám cháy đang hoành hành ở tiểu bang này.

Mỹ: Nửa triệu người ở tiểu bang Oregon phải sơ tán vì cháy rừngCalifornia: Hơn 2 triệu mẫu đất bị thiêu rụi bởi hỏa hoạn trong năm 2020California với cuộc chiến cháy rừng và Covid-19

Nhiều công trình bị thiêu rụi trong những trận cháy rừng nghiêm trọng ở Mỹ​. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Thống đốc tiểu bang California, ông Gavin Newsom cho biết, mặc dù các nhân viên cứu hỏa đã đạt được tiến bộ trong nỗ lực ngăn chặn hơn 20 đám cháy rừng lớn, nhưng những cơn gió Santa Ana mạnh và khô có thể làm mạnh thêm các đám cháy.                                                   

"Với những hiện tượng gió mà chúng tôi hiện đang trải qua và những gì chúng tôi dự báo trong những ngày tới, chúng tôi phải lưu ý rằng, ngay cả khi những đám cháy rừng được ngăn chặn ở mức cao, những đám cháy đó vẫn đang ở ngay sau lưng chúng tôi", ông Gavin Newsom nói trong một cuộc họp báo.

Nhấn mạnh quy mô của thảm họa, Thống đốc California cho hay, tiểu bang này cho đến nay đã trải qua 7.606 đám cháy trong năm 2020, so với 4.972 đám cháy vào năm 2019. Theo ông Gavin Newsom, các ngọn lửa đã nuốt chửng gần 2,3 triệu acres, trong đó có 1,5 triệu kể từ giữa tháng 8, so với mức 118.000 acres được báo cáo hồi năm ngoái.

“Quy mô và độ lớn của những đám cháy này ở mức cao hơn nhiều, so với bất kỳ thời điểm nào trong 18 năm mà dữ liệu giám sát ghi nhận, kể từ năm 2003”, ông Mark Parrington, nhà khoa học cấp cao và chuyên gia về cháy rừng tại Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS) của châu Âu nhận định.

Đáng chú ý, các đám cháy đang thải ra nhiều khí thải ô nhiễm đến mức khói dày đặc có thể được nhìn thấy ở cách hơn 8.000 km tại khu vực Bắc Âu, nhấn mạnh sức tàn phá của các đám cháy. Khói nặng nhất từ ​​các đám cháy vẫn còn ở Bờ Tây Mỹ, khi những thành phố như Los Angeles và San Francisco ghi nhận chất lượng không khí nằm trong mức tồi tệ nhất trên thế giới.

Ngoài California, nơi phải hứng chịu gánh nặng về tổng số người tử vong ở mức hơn 30 người, các bang ven biển Oregon và Washington cũng trải qua những trận hỏa hoạn kỷ lục, lan sang các trung tâm dân cư lớn.

Mối liên hệ với tình trạng biến đổi khí hậu

Trong lịch sử, khó để chứng minh mối liên hệ giữa các hiện tượng thời tiết cực đoan riêng lẻ và tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, những đám cháy như ở Mỹ sẽ không dữ dội và lan rộng đến vậy, nếu không có sự ấm lên của trái dất trong thời kỳ công nghiệp.

Nhìn chung, biến đổi khí hậu đã được chứng minh là có khả năng khuếch đại hạn hán, làm khô các khu vực, tạo điều kiện lý tưởng cho những đám cháy rừng.

Ngoài ra, tác động kinh tế từ các đám cháy trong năm nay được dự báo ​​sẽ "rất đáng kinh ngạc", khi một chuyên gia đã ước tính mức thiệt hại lên tới hơn 20 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các nhà chức trách cũng cảnh báo, khói từ các đám cháy có thể làm trầm trọng thêm đại dịch COVID-19, khi người dân buộc phải sơ tán để tìm nơi trú ẩn trong các chỗ ở chung. Hít phải khói và tro cũng có thể làm suy yếu thêm phổi của những người bị nhiễm bệnh và làm suy yếu hệ miễn dịch.

Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên

Hai công ty năng lượng Westinghouse Electric và CORE POWER vừa công bố thỏa thuận hợp tác phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP), đánh dấu bước tiến mới của Mỹ trong lĩnh vực đang được Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên
Return to top