Các cuộc biểu tình lan rộng khiến Chile huỷ bỏ hội nghị APEC và COP25. Ảnh: AFP/VNExpress
Tổng thống Pinera cho biết, rút khỏi hai hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn này là quyết định "vô cùng đau đớn" nhưng "hợp tình hợp lý" trong bối cảnh hiện tại của đất nước.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình để ký kết thỏa thuận "giai đoạn một" tại hội nghị APEC diễn ra ngày 16/11-17/11, nhằm chấm dứt một phần cuộc chiến thương mại đã kéo dài suốt 18 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày nổ ra các cuộc biểu tình trên đường phố, Tổng thống Pinera thừa nhận rằng quốc gia Nam Mỹ này không có khả năng tổ chức thượng đỉnh APEC hay hội nghị khí hậu COP25 (từ 2/12-13/12).
"Đây là một quyết định rất khó khăn, một quyết định khiến chúng tôi đau đớn, bởi vì chúng tôi hoàn toàn hiểu tầm quan trọng của APEC và COP25 đối với Chile và đối với thế giới", nhà lãnh đạo Chile nói trong một tuyên bố ngắn gọn từ cung điện La Moneda ở Santiago. Trên cương vị một tổng thống, ông Pinera nhấn mạnh rằng ông phải luôn đặt đồng bào của mình lên trên mọi cân nhắc khác.
Quyết định này của Chile khiến Nhà Trắng rất bất ngờ, Reuters dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ cho hay. Theo thông tin từ phía Nhà Trắng, Tổng thống Trump vẫn hy vọng sẽ ký một thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Tập Cận Bình trong vài tuần tới, mặc dù Chile đã hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh APEC - nơi hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ gặp mặt.
Theo tin mới nhất từ Reuters, ngay sau khi được Chile thông báo về quyết định huỷ đăng cai hội nghị khí hậu COP25, Liên Hiệp quốc đang gấp rút tìm kiếm một chủ nhà mới cho vòng đàm phán khí hậu sắp tới. Đây là lần đầu tiên một quốc gia huỷ tổ chức hội nghị khi chỉ còn 1 tháng nữa trước này sự kiện diễn ra. Brazil đã rút khỏi vị trí ứng cử đăng cai tổ chức COP25 trong năm ngoái, với lý do hạn chế về tài chính và ngân sách.
Theo Reuters, Chile đang vật lộn với cuộc khủng hoảng xã hội tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, và mặc dù Tổng thống Pinera đã tuyên bố một loạt các biện pháp nhằm xoa dịu người biểu tình nhưng thực tế cho thấy có rất ít dấu hiệu hạ nhiệt.
Nhiều người biểu tình tỏ thái độ tức giận vì mức lương và lương hưu thấp, hệ thống chăm sóc và giáo dục y tế công cộng kém, và bất bình đẳng lớn giữa người giàu và người nghèo… Tuần trước, Tổng thống Pinera khẳng định sẽ tăng lương tối thiểu và lương hưu, cũng như đưa ra các biện pháp để giảm bớt chi phí chăm sóc sức khỏe cao ngất ngưỡng và tinh giản các bộ máy công cộng.
Ngày 29/10, ông cũng cải tổ lại nội các lần thứ ba kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 3/2018, nhưng phong trào đường phố vẫn tiếp tục.
Bạo loạn, đốt phá và phản đối bất bình đẳng trong tháng này đã khiến ít nhất 18 người thiệt mạng, 7.000 người bị bắt giữ và gây thiệt hại khoảng 1,4 tỷ USD cho Chile. Hệ thống giao thông công cộng metro của thành phố thủ đô cũng bị tổn thất gần 400 triệu USD.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters)