Thế giới

Cơm Việt trợ sức bác sĩ ở Cali

ClockThứ Bảy, 04/04/2020 15:07
Hai phụ nữ gốc Việt sống ở San Jose biết nhau từ lâu nhưng thỉnh thoảng tình cờ họ mới gặp nhau. Những kể từ khi 'đại họa' COVID-19 ập vào nước Mỹ, họ gặp nhau mỗi ngày, cùng nhau tiếp sức thức ăn cho các y bác sĩ tuyến đầu.

Mỹ hỗ trợ các nước ASEAN đối phó với Covid-19Trẻ sơ sinh đầu tiên ở Mỹ tử vong liên quan đến Covid-19Mỹ: Gói cứu trợ kỷ lục 2,2 nghìn tỷ USD chính thức có hiệu lực

Y bác sĩ bệnh viện Kaiser gửi hình chụp chung với các phần cơm Việt Nam - Ảnh: NVCC

Đi giao cơm tới bệnh viện nào cũng nhận được những ánh mắt, nụ cười của áo trắng áo xanh, phấn chấn khiến tôi quên hết mệt nhọc và thêm động lực.

Chị Phan Tiểu Vân

Đó là chị Nguyễn Thị Minh Huyền, chủ nhà hàng Phở Hà Nội - một nhà hàng Việt Nam rất có tiếng ở Cupertino, San Jose, California, cung cấp suất ăn miễn phí. 

Còn chị Phan Tiểu Vân, một người kinh doanh ở San Jose, đại diện kết nối đưa những suất ăn đến các bác sĩ đang chạy đua với thời gian để cứu chữa bệnh nhân.

Những hộp cơm dán lời cảm ơn

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị Huyền cho biết ý tưởng nấu cơm miễn phí tiếp sức các y bác sĩ tuyến đầu trong vùng xuất hiện khi chị thấy có người hàng xóm đi vận động tiền trong xóm để mua đồ ăn cho các bác sĩ. 

"Khi đó tôi nghĩ mình là chủ nhà hàng, có đầu bếp, mọi phương tiện đều sẵn, tại sao mình không làm? Tôi cũng muốn mọi người biết về tấm lòng tình nghĩa của cộng đồng người Việt Nam và cả ẩm thực của chúng ta đến người Mỹ".

Chị Huyền làm vậy để tiếp sức các bác sĩ trong lúc công việc bộn bề nhưng cũng để giúp các nhà hàng duy trì hoạt động, giữ được nhân viên, giảm số người mất việc. 

Nhờ có những đầu bếp giỏi, có máy móc có thể cùng lúc nướng, hấp, chiên... mấy chục phần ăn nên từ 8h sáng đến 11h trưa là các đầu bếp chuẩn bị xong 100 phần ăn gọn gàng vào hộp.

Nói đến ẩm thực Việt, phở là món mà hầu hết người nước ngoài ai ăn cũng thích nhưng việc nấu phở cầu kỳ, nước dùng sóng sánh không thể đem được vào bệnh viện. 

Dịp này, chị Huyền nấu cơm, xôi, mì để tiện việc hâm nóng và mang đi. Bếp đổi món mỗi ngày, có từ cơm chay tàu hủ cho người ăn chay, cơm sườn nướng sả, mì gà rôti, tôm rang me, cơm gà Hải Nam, gỏi cuốn tôm thịt... cho người ăn mặn.

Mỗi hộp cơm được dán lời cảm ơn: "Chân thành cảm ơn vì bạn đã mang lại sự khác biệt cho cuộc sống của các bệnh nhân - thay mặt cộng đồng người Việt Nam - Phở Hà Nội".

Chị Huyền cho biết tất cả mọi người đều khó khăn khi dịch bệnh bất ngờ xuất hiện. Hai nhà hàng của chị bình thường có 65-70 nhân viên nhưng đến nay chỉ còn giữ được 12-15 nhân viên.

Trước đây mỗi ngày nhà hàng bán 3.000 phần nay chỉ còn bán thức ăn mang đi, mỗi ngày nhiều lắm được 800 phần. 

"Ai cũng mất thu nhập nên chúng ta đều cần đồng lòng, hỗ trợ nhau cùng vượt qua. Nhà hàng cũng giảm giá 25% cho khách như một sự chung tay với cộng đồng" - chị Huyền nói.

Giới thiệu ẩm thực Việt

Từ ngày 26-3, những bữa cơm Việt bắt đầu đến các bệnh viện, mỗi ngày một bệnh viện khác nhau. 

Theo chị Phan Tiểu Vân, "tìm nhà tài trợ dễ hơn đi tặng đồ ăn, nhất là tặng cho các bệnh viện ở Mỹ". Thức ăn đem đến phải là của nhà hàng có giấy phép hoạt động. 

Xe chở thức ăn phải là xe chuyên dụng của nhà hàng. Đến giờ hẹn trước, xe đến cổng, các y tá, bác sĩ chỉ có vài phút chạy xuống lấy đồ rồi lại vội vàng chạy lên vì họ chỉ có 30 phút nghỉ ăn trưa.

Theo chị Vân, hiện nay khu vực nhà ăn của các bệnh viện đã được chuyển đổi công năng thành bệnh viện dã chiến, chuẩn bị cho tình huống có nhiều bệnh nhân hơn nên bác sĩ hoặc phải mang cơm từ nhà theo, hoặc phải đặt đồ ăn từ xa đến, khá bất tiện vì đi ra đi vào lấy cơm nhanh cũng mất 10 phút.

Có cơm nóng đến đúng giờ, hoặc ai bận ăn sau chỉ cần đun nóng lại, các bác sĩ rất cảm kích. Chị Vân kể có khi xe chạy đi rồi thì nhận được điện thoại của bác sĩ gọi xin lỗi vì bận quá không ra gặp được. 

Có lúc 1h sáng, nữ y tá tan ca trực về nhắn tin: "Chị ơi hôm nay cả khoa được ăn món Việt Nam ngon quá, mọi người như được cổ vũ tinh thần".

Mỗi ngày chị Vân đến nhà hàng Phở Hà Nội, lái xe dẫn đường cho xe chở đồ ăn đi sau. Nhiều bệnh viện chị chưa đến bao giờ, vừa lái chị vừa lo lạc đường. 

Do đã sắp xếp được với bộ phận hành chính của bệnh viện, xe được đậu trước cổng cấp cứu hoặc cổng sau để các y bác sĩ có thể mang xe đẩy xuống nhận cơm.

Chị Vân cho biết chị nhận được rất nhiều tin nhắn, email, thiệp cảm ơn từ các y bác sĩ. Ngoài lời cảm ơn, nhiều người cho biết rất thích và bất ngờ đồ ăn Việt Nam rất ngon. 

Dù xuất phát từ tình cảm muốn đóng góp cho cộng đồng, tri ân những y bác sĩ tuyến đầu, điều bất ngờ với chị Huyền và chị Vân là sau sự kiện này, đồ ăn Việt được rất nhiều y bác sĩ ở Mỹ yêu thích.

Chị Vân cho biết khi dịch bệnh qua đi, chị có hẹn với các y tá, bác sĩ gặp nhau ăn lẩu, nói về kỷ niệm đã qua về "Cô Vy".

Chị Huyền tự tay chuẩn bị các phần cơm trợ sức y bác sĩ ở Cali trong dịch COVID-19 - Ảnh: Mercury News

Lan tỏa tình yêu thương

Chị Huyền cho biết cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm nay là mãn tang mẹ ở Việt Nam. Hai vợ chồng đã định về Vũng Tàu nhưng vì dịch bệnh không về được. 

Mỗi năm khi về họ đều đến giúp trại trẻ mồ côi, mái ấm, trung tâm ung bướu nên năm nay dùng khoản tiền này nấu cơm cho các bác sĩ.

Ban đầu gia đình định giúp 1.000 phần, tối đa 100 phần/ngày nhưng nhiều người biết việc làm của chị Huyền đã ngỏ ý muốn đóng góp thêm. 

Số lượng có thể cam kết hiện giờ đã lên đến 3.000 phần ăn. Một nhà cung cấp gà cho nhà hàng của chị Huyền tự nguyện ủng hộ mỗi tuần mấy thùng gà. Một số khách hàng gọi điện muốn góp 50, 100 phần ăn.

Nhân viên nhà hàng báo không lấy tiền lương, chỉ lấy vài đồng đổ xăng. Chủ nhà nơi chị thuê mặt bằng giảm giá thuê, những khoản tiết kiệm và ủng hộ từ nhiều nguồn này giúp chị Huyền có thể nấu thêm nhiều bữa cơm Việt cho các y bác sĩ trong vùng.

Bức thư cảm ơn của bác sĩ Mỹ

Thân gửi Phở Hà Nội,

Thay mặt Bệnh viện O’Connor, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý vị vì đã hào hiệp gửi tặng các bữa trưa đến cho đội ngũ của chúng tôi. Trong thời gian đầy thách thức này, chúng tôi đang làm việc không mệt mỏi vì các bệnh nhân. Sự hỗ trợ của quý vị là sự động viên giúp chúng tôi tiếp tục những cam kết và mục đích của mình, có thêm sức mạnh để tiếp tục bảo vệ bệnh nhân, đội ngũ và cộng đồng.

Thân ái,

Bác sĩ Meenesh A. Bhimani (Bệnh viện O’ Connor ở San Jose)

 

 

Theo Tuoitre

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng USD thắng thế khi bầu cử Tổng thống Mỹ tới gần

Chỉ số đồng USD đã tăng vào phiên cuối tuần 25/10, đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp của chỉ số này nhờ các số liệu kinh tế giúp duy trì kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất ổn định. Giới đầu tư hiện đang chờ đợi báo cáo việc làm tháng 10/2024 của Mỹ, dự kiến được công bố vào tuần tới.

Đồng USD thắng thế khi bầu cử Tổng thống Mỹ tới gần
Thêm nguồn thức ăn nuôi trồng thủy sản an toàn

Diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đang tăng lên. Điều này kéo theo những vấn đề lo ngại về bệnh tật, nguồn thức ăn cho thủy sản, môi trường nước và các chi phí khác... Việc nghiên cứu thành công sản xuất và sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho một số loài thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh mở ra cơ hội mới và những lợi ích kinh tế, xã hội đi kèm.

Thêm nguồn thức ăn nuôi trồng thủy sản an toàn
Thuốc giảm cân hỗ trợ giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19

Hãng tin CNBC ngày 3/9 đưa tin, theo kết quả của một loạt nghiên cứu được Tạp chí Journal of the American College of Cardiology (JACC) - tờ tạp chí tim mạch uy tín nhất của Mỹ thực hiện, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những người sử dụng thuốc giảm cân Ozempic và Wegovy ít đối diện với nguy cơ tử vong vì COVID-19 hoặc bị tác dụng phụ từ loại virus này.

Thuốc giảm cân hỗ trợ giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19
Return to top