Thông báo hết khẩu trang tại một cửa hàng ở thủ đô Berlin, Đức giữa lúc dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN
Đáng chú ý, tình trạng này diễn ra cùng thời điểm với tình trạng thiếu hụt thuốc cấp bách hiện có trên lục địa châu Âu.
Nhiều quốc gia trên thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các thành phần thuốc, trong thời đại của chuỗi cung ứng toàn cầu. Những quốc gia này cũng đang vật lộn để tìm cách tránh tình trạng thiếu hụt những loại thuốc quan trọng.
Một quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu (EC) cho hay, Liên minh châu Âu đang đánh giá sự trở ngại trong các chuyến hàng thuốc từ khu vực châu Á; trong bối cảnh Pháp cảnh báo rằng, họ phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, với khoảng 40% các thành phần thuốc của quốc gia này được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mối quan tâm của châu Âu xuất hiện khi Ấn Độ, nhà cung cấp thuốc gốc (generic medicines) chính của thế giới và cũng đang phụ thuộc vào các thành phần từ Trung Quốc, đã quyết định hạn chế một số mặt hàng thuốc xuất khẩu.
"Nhiều thành phần dược phẩm hoạt tính được sản xuất tại Trung Quốc và sự bùng phát của virus đang gây ảnh hưởng đến năng lực sản xuất và sự ổn định của việc cung cấp những thành phần này. Điều đó có khả năng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc trên toàn thế giới", Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), một cơ quan của EU nói với Hãng thông tấn Reuters.
Ủy ban châu Âu, cánh tay điều hành của EU nhận định, bất kỳ tác động nào xảy ra đối với nguồn cung do sự bùng phát của virus cũng có thể làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt hiện có.
Thiếu hụt khẩu trang
Một cuộc khảo sát được thực hiện tại 24 quốc gia EU vào cuối năm ngoái cho thấy, tất cả những quốc gia này đều gặp phải tình trạng thiếu hụt thuốc trong năm 2019, trong khi số lượng thuốc thiếu hụt gia tăng ở hầu hết các quốc gia, Tập đoàn Dược phẩm của Liên minh châu Âu (PGEU) cho hay.
Theo đó, các loại thuốc về hô hấp không có sẵn đầy đủ ở hầu hết những quốc gia được khảo sát, làm gia tăng lo ngại về sự chuẩn bị của EU đối với một đợt bùng phát lớn của virus Corona, loại virus có thể gây bệnh viêm phổi và những căn bệnh hô hấp khác.
Ông Jan De Belie của PGEU lưu ý, cũng như Trung Quốc, khu vực châu Âu có thể sẽ phải đối mặt với các vấn đề về nguồn cung từ phía bắc Italy, một khu vực có nhiều nhà sản xuất thuốc hoạt động, nơi này đã phải hứng chịu sự bùng phát tồi tệ nhất của virus Corona bên ngoài khu vực châu Á.
Trong khi đó, các quan chức EU cũng lên tiếng cảnh báo, khối này đang thiếu hụt khẩu trang và các thiết bị bảo vệ cá nhân khác do nhu cầu tăng cao, đặc biệt là ở Italy.
Hồi tuần trước, Ủy ban châu Âu đã thực hiện một nỗ lực mua sắm chung thay mặt cho 20 quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, các quan chức nói rằng, ngay cả khi họ có thể đảm bảo nguồn cung cấp, chúng sẽ khó có khả năng được giao trước tháng 4.
"Đang có sự thiếu hụt trên thị trường đối với những sản phẩm này. Chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng tất cả nhu cầu được dự báo của các quốc gia thành viên", một quan chức của Ủy ban châu Âu nói với các nhà lập pháp EU trong một phiên điều trần diễn ra vào ngày 5/3.
Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters)