Thế giới

COVID-19 là mối đe dọa lớn nhất đối với trẻ em trong lịch sử 75 năm của UNICEF

ClockThứ Bảy, 11/12/2021 20:32
TTH.VN - Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết, đại dịch COVID-19 đang đẩy lùi tiến trình của những nỗ lực nhằm giải quyết những thách thức chính đối với trẻ em như nghèo đói, sức khỏe và khả năng tiếp cận giáo dục – đại diện cho cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn nhất đối với trẻ em kể từ khi cơ quan này được thành lập 75 năm trước.

WHO và UNICEF: Các trường học ở châu Âu phải mở cửa trở lạiUNICEF: 168 triệu học sinh trên toàn cầu không thể đến trường trong gần 1 năm qua vì COVID-19UNICEF: 463 triệu trẻ em trên thế giới không thể tiếp cận với giáo dục trực tuyếnUNICEF: Các hạn chế do đại dịch khiến trẻ em dễ bị bóc lột và lạm dụngUNICEF: 1/3 trẻ em thế giới bị nhiễm độc chì trong máuCOVID-19: UNICEF tăng gấp đôi ngân sách kêu gọi để hỗ trợ trẻ em

75 năm kể từ khi thành lập, UNICEF đang tiếp tục hoạt động vì một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả trẻ em. Ảnh: UNICEF

Báo cáo cảnh báo, tác động lan rộng của đại dịch đang tiếp tục làm sâu sắc hơn tình trạng nghèo đói, kéo theo sự bất bình đẳng và đe dọa quyền của trẻ em hơn bao giờ hết.

“Đại dịch COVID-19 là mối đe dọa lớn nhất đối với những tiến bộ dành cho trẻ em trong lịch sử 75 năm của UNICEF. Trong khi số trẻ em phải bỏ học, bị ngược đãi, sống trong cảnh nghèo đói hoặc bị ép buộc kết hôn ngày càng tăng thì số trẻ em được chăm sóc sức khỏe, được tiêm vaccine, có đủ cái ăn và các dịch vụ thiết yếu đang giảm dần. Trong một năm mà chúng ta nên kỳ vọng sẽ tiến lên, thì chúng ta lại đang thụt lùi”, bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF nói.

Thêm 100 triệu trẻ em nghèo

Với tiêu đề “Ngăn chặn một thập kỷ mất mát: Hành động khẩn cấp nhằm đảo ngược tác động tàn phá của COVID-19 đối với trẻ em và thanh thiếu niên”, báo cáo đã được công bố trước lễ kỷ niệm 75 năm thành lập UNICEF diễn ra vào ngày 11/12.

Theo báo cáo, COVID-19 đã đẩy thêm 100 triệu trẻ em vào cảnh nghèo đói: tăng 10% kể từ năm 2019. Con số này tương ứng với việc cứ mỗi một giây lại có gần 2 trẻ em bị đẩy vào cảnh nghèo đói kể từ giữa tháng 3 năm ngoái, khi WHO chính thức công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu

UNICEF cho biết ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, việc phục hồi về mức trước đại dịch sẽ mất tới 8 năm.

Giáo dục bị đình trệ

Hơn nữa, khoảng 60 triệu trẻ em hiện đang sống trong các hộ gia đình “nghèo về tiền bạc” và hơn 23 triệu trẻ em đã bỏ lỡ các mũi vaccine thiết yếu, con số cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Trước đại dịch, khoảng 1 tỷ trẻ em trên toàn thế giới phải trải qua ít nhất một “thiệt thòi”, chẳng hạn như không được tiếp cận với giáo dục, y tế, nhà ở, dinh dưỡng hoặc điều kiện vệ sinh và nước sạch. Đáng lo ngại, sự phục hồi không đều trên toàn thế giới đang đẩy con số này lên cao hơn.

Vào giai đoạn cao điểm của đại dịch, hơn 1,6 tỷ học sinh đã phải nghỉ học do các trường học đóng cửa. Trong năm đầu tiên của đại dịch, các trường học trên toàn thế giới đã phải đóng cửa trong gần 80% thời gian giảng dạy trực tiếp.

Lao động trẻ em đang gia tăng

Trên toàn cầu, hơn 13% thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi bị ảnh hưởng bởi những tổn thương tinh thần. UNICEF báo cáo rằng vào tháng 10/2020, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần quan trọng ở 93% quốc gia đã bị gián đoạn hoặc tạm dừng do sự lây lan của COVID-19.

Ngoài ra, có thể có thêm 10 triệu cuộc tảo hôn có thể xảy ra trước cuối thập kỷ này do hậu quả của đại dịch, trong khi số lao động trẻ em đã tăng lên 160 triệu, tăng gần 8,5 triệu trong bốn năm qua. Nghèo đói gia tăng đồng nghĩa với việc có thêm chín triệu trẻ em trai và gái cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài đại dịch, báo cáo còn cảnh báo những mối đe dọa tiếp theo đối với trẻ em có thể gây nguy hại đến quyền của chúng.

UNICEF cho biết 426 triệu trẻ em, tương đương với gần 1/5 tổng số trẻ em trên toàn cầu, phải sống trong các khu vực xung đột ngày càng trở nên gay gắt, trong đó phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ cao nhất bị bạo lực tình dục liên quan đến xung đột.

UNICEF cũng cho rằng 80% tất cả các nhu cầu nhân đạo đều bắt nguồn từ xung đột và gần một nửa số trẻ em trên thế giới, khoảng 1 tỷ trẻ em, sống ở các quốc gia có “nguy cơ cực kỳ cao” do tác động của biến đổi khí hậu.

Thời điểm khó khăn

Trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa chấm dứt, xung đột ngày càng gia tăng và tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng trầm trọng, UNICEF tiếp tục kêu gọi đầu tư vào bảo trợ xã hội, cũng như phục hồi toàn diện và bền vững.

Cơ quan này cho biết cần phải có hành động để chấm dứt đại dịch và khắc phục những trở ngại trong giáo dục cũng như trong việc phân phối vaccine, đồng thời nâng cao dinh dưỡng cho trẻ em. Theo UNICEF, phục hồi lại mạnh mẽ hơn cũng có nghĩa là phải đảm bảo chất lượng giáo dục, sự bảo vệ và sức khỏe tinh thần tốt cho tất cả trẻ em. Ngoài ra, cần có những cách tiếp cận mới để ngăn ngừa và ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như nạn đói, biến đổi khí hậu và thiên tai, nhằm bảo vệ trẻ em.

Hơn 7 thập kỷ kể từ khi thành lập, UNICEF đang tiếp tục hoạt động vì một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả trẻ em. Giám đốc UNICEF khẳng định trẻ em luôn là ưu tiên hàng đầu trong mọi kế hoạch, đường hướng hoạt động của tổ chức này.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN News)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non
Return to top