Không giới hạn
Động thái trên được thực hiện với hy vọng khu vực Trung và Nam Mỹ có thể nắm bắt được tiềm năng của các thị trường này.
Đại diện 11 quốc gia thành viên tham gia lễ ký kết hiệp định CPTPP tại Chile. Ảnh: Reuters
Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã tham dự hội nghị của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thủ đô Buenos Aires của Argentina trong 2 ngày 20-21/5 vừa qua, nơi ông Kono nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế thương mại tự do mạnh mẽ hơn.
"CPTPP có cụm từ “xuyên Thái Bình Dương" trong tên gọi, nhưng hiệp định này không chỉ giới hạn ở Thái Bình Dương", nhà ngoại giao hàng đầu Nhật Bản khẳng định, đồng thời lên tiếng kêu gọi các quốc gia Trung và Nam Mỹ tham gia hiệp định.
Được biết, khu vực Mỹ Latinh có tổng dân số khoảng 600 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 5,1 nghìn tỷ USD. Các công ty Nhật Bản cũng đang kêu gọi Tokyo thúc đẩy quan hệ kinh tế với các quốc gia ở khu vực này.
Mexico, Chile và Peru hiện đang là thành viên của CPTPP, nhưng Brazil và Argentina, 2 gã khổng lồ trong khu vực vẫn chưa tham gia hiệp định. Trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hướng tới chủ nghĩa bảo hộ có thể lan rộng, ông Kono đang khuyến khích các quốc gia Mỹ Latinh tham gia CPTPP, nhằm ngăn chặn điều này diễn ra.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tạp chí Nikkei, Ngoại trưởng Brazil Aloysio Nunes Ferreira cũng bày tỏ hy vọng tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, trong một tuyên bố mới đây tại thành phố Sao Paulo của Brazil, ông Kono cho hay: "Tôi muốn chào đón Brazil, các quốc gia Mỹ Latinh và Caribê khác tham gia hiệp định này".
Trong một động thái liên quan, Colombia cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc trở thành thành viên của CPTPP. Đây là thành viên duy nhất của khối thương mại Mỹ Latinh gồm 5 quốc gia thành viên, được gọi là Liên minh Thái Bình Dương (AP) chưa tham gia CPTPP. Colombia lo ngại điều đó có thể đặt quốc gia này vào thế bất lợi về thương mại.
Các quốc gia thành viên CPTPP đang làm việc để phê chuẩn hiệp định trong nước, nhằm đưa CPTPP chính thức có hiệu lực trong nửa đầu năm 2019. Các cuộc đàm phán về việc gia nhập của những thành viên mới sẽ được thực hiện sau đó. Nhật Bản mong muốn mở cửa cho bất kỳ quốc gia nào quan tâm, bao gồm cả Vương quốc Anh, Thái Lan và Hàn Quốc.
Hiệp định thương mại giúp làm giảm thuế suất giữa các quốc gia thành viên, qua đó sẽ khiến cho các sản phẩm của Mỹ ít cạnh tranh hơn trong khối. Tokyo hy vọng việc có thêm nhiều quốc gia sẽ khiến Washington tái gia nhập hiệp định.
CPTPP lên bàn nghị sự hậu Brexit
Đáng chú ý, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox ngày 23/5 nói với tạp chí Nikkei rằng, Vương quốc Anh sẽ không loại trừ việc gia nhập CPTPP sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, trong một nỗ lực nhằm tìm cách giảm nhẹ tác động kinh tế từ việc rút khỏi EU.
Được biết, Vương quốc Anh không được phép đàm phán các hiệp định thương mại tự do cho đến khi tư cách thành viên EU kết thúc vào ngày 29/3/2019.
"Điều này rất quan trọng đối với Anh để có một chính sách thương mại độc lập. Anh quan tâm đến CPTPP. Anh hy vọng sẽ khai thác tiềm năng tăng trưởng của khu vực", ông Fox nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc tham gia CPTPP có thể giúp London thúc đẩy thương mại với tất cả các quốc gia thành viên cùng một lúc, đồng thời nhanh chóng giảm thiểu một số tác động kinh tế từ Brexit.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu Vương quốc Anh cũng lưu ý, hiệp định thương mại gồm 11 quốc gia thành viên vẫn chưa được phê chuẩn. Anh muốn "chờ đợi và xem quá trình này diễn ra như thế nào", cũng như xác định "điều gì sẽ được chúng tôi quan tâm", và sau đó tổ chức các cuộc đàm phán với những bên tham gia khác.
LÊ THẢO
(Tổng hợp và lược dịch từ Nikkei & Reuters)