Công nhân tại một khu công nghiệp ở tỉnh An Giang trước khi vào chuyền sản xuất trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh minh họa: TTXVN
Học tập bị gián đoạn
“Đại dịch toàn cầu không chỉ tác động đến cơ hội việc làm, mà còn làm gián đoạn việc cung cấp các chương trình giáo dục, đào tạo và phát triển kỹ năng, đồng thời khiến việc gia nhập thị trường lao động và chuyển đổi giữa các công việc trở nên khá khó khăn”, Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhận định.
Trong một báo cáo, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra, những người trẻ tuổi phải đối mặt với một "triển vọng ảm đạm" về giáo dục trong bối cảnh đại dịch. Báo cáo dựa trên Khảo sát Toàn cầu về Thanh niên và COVID-19, một nghiên cứu trên hơn 12.000 thanh niên trong độ tuổi từ 18-29, được thực hiện trực tuyến bằng 23 ngôn ngữ trên khắp 112 quốc gia.
Theo đó, cứ 5 thanh niên thì có 3 thanh niên tham gia vào hoạt động giáo dục và đào tạo, trong đó 15% thanh niên kết hợp giữa giáo dục và việc làm. Cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể gây ra thiệt hại nặng nề cho những thanh niên này bởi sự gián đoạn học tập, kết quả học tập giảm sút và mất thu nhập. Họ có nguy cơ bị đẩy khỏi các hệ thống học tập chính thức hoặc không chính thức, và có thể trải qua quá trình chuyển đổi sang việc làm lâu hơn và khó khăn hơn.
ILO cũng tiết lộ rằng, việc đóng cửa các trường học, trường đại học và trung tâm đào tạo đã ảnh hưởng đến hơn 73% thanh niên được khảo sát. Trong khi đó, 13% thanh niên khẳng định giáo dục và đào tạo của họ đã hoàn toàn dừng lại kể từ khi đại dịch bùng phát.
Ngoài ra, việc chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến và từ xa trở nên phổ biến hơn trong số các thanh niên ở những quốc gia có thu nhập cao, làm nổi bật “khoảng cách kỹ thuật số” lớn giữa các khu vực. Nghiên cứu cho thấy, 65% thanh niên ở các quốc gia có thu nhập cao được dạy học qua các bài giảng trực tuyến, so với 55% ở các quốc gia có thu nhập trung bình, và 18% ở các quốc gia có thu nhập thấp.
Đào tạo lại, nâng cao kỹ năng
Tuy nhiên, bất chấp những thử thách này, thanh niên không bỏ cuộc. Để cải thiện triển vọng việc làm trong tương lai, khoảng 1/2 số người được hỏi đã tìm kiếm cơ hội học tập mới. Theo báo cáo của ILO, 44% thanh niên được khảo sát đã theo đuổi các khóa đào tạo mới kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Bà Arinya Talerngsri, Giám đốc Điều hành Trung tâm Học tập Suốt đời của khu vực Đông Nam Á tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) cho hay, trong bối cảnh đại dịch thúc đẩy việc áp dụng văn hóa kỹ thuật số trên toàn thế giới, việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng “trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số” là một yêu cầu cấp bách.
“Đây là một tình huống bây giờ hoặc không bao giờ, và chúng ta không thể đợi đến ngày mai để đào tạo lại và nâng cao kỹ năng. Chúng ta đang ở giữa một cuộc khủng hoảng, chúng ta gác lại việc phát triển bản thân càng lâu, thì càng khó đối phó với các vấn đề hiện tại và tương lai", bà Arinya Talerngsri lưu ý.
Trong một động thái liên quan hồi tháng 3 vừa qua, Chính phủ Indonesia đã hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử, Ngân hàng Negara Indonesia, ví điện tử OVO và LinkAja, cũng như các nền tảng công nghệ giáo dục để triển khai chương trình thẻ “trước tuyển dụng”, nhằm hỗ trợ lực lượng lao động bị ảnh hưởng bởi các tác động kinh tế bất lợi của đại dịch.
“Loại thẻ này sẽ là một giải pháp thay thế cho những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19 để học kỹ năng mới, nâng cao kỹ năng và đào tạo lại. Chương trình cho phép họ nâng cao năng lực và tăng khả năng cạnh tranh”, ông Airlangga Hartarto, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia cho biết.
Bên cạnh đó, quốc gia láng giềng Malaysia cũng báo cáo, 479 triệu USD đã được phân bổ theo Kế hoạch Phục hồi Kinh tế nhằm đảm bảo sự thành công của Chương trình Kỹ năng và Nâng cao Năng lực. “Trong giai đoạn này, khi việc làm vẫn chưa thể trở thành hiện thực do nền kinh tế chậm lại, điều khôn ngoan là chúng ta nên nâng cao kỹ năng của thanh niên. Chương trình sẽ mang lại lợi ích cho lên đến 200.000 thanh niên”, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin nhấn mạnh.
Đáng chú ý, LHQ cũng đưa ra một tuyên bố khuyến khích các bên liên quan thúc đẩy các chương trình kỹ năng cho thanh niên; đồng thời cho rằng, có một hiệu ứng domino giúp đạt được những bước tiến quan trọng hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). “Điều đó không chỉ đóng góp vào việc đạt được SDG 8 (công việc tốt và tăng trưởng kinh tế) bằng cách cung cấp nhiều cơ hội làm việc hơn, mà còn giúp đạt được SDG 1 (xoá nghèo), SDG 2 (không còn nạn đói), SDG 3 (sức khỏe và có cuộc sống tốt), SDG 4 (giáo dục có chất lượng), và SDG 16 (quan hệ đối tác vì các mục tiêu)”, LHQ giải thích.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ The ASEAN Post)