Cúm gia cầm, mối lo đang tăng trên toàn thế giới. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ
“Mục tiêu của chúng tôi là gia cầm không có bệnh và chúng không lây lan virus. Công việc của chúng tôi, với tư cách là một nông dân, không phải là thu thập xác động vật chết”, người nông dân trả lời phóng viên ngay tại trang trại của mình ở Castelneu-Tursan, Tây Nam nước Pháp cho biết.
Tương tự như ông Herve Dupouy, ngày càng nhiều chính phủ trên thế giới xem xét lại việc phản đối vaccine, nhất là trong bối cảnh việc tiêu hủy gia cầm hoặc cách ly chúng đã thất bại trong nỗ lực ngăn chặn dịch cúm gia cầm quay trở lại, qua đó gây thiệt hại lớn cho đàn gia cầm thương mại hàng năm.
Phóng viên báo Reuters đã có cuộc nói chuyện với các quan chức cấp cao của các nhà sản xuất trứng và gia cầm lớn nhất thế giới, cùng với các nhà sản xuất vaccine và công ty gia cầm. Tất cả đều đồng ý rằng đã có sự thay đổi rõ rệt trong cách tiếp cận vaccine cúm gia cầm trên toàn cầu do mức độ nghiêm trọng của đợt dịch bùng phát vào năm nay.
Bên cạnh chi phí tiêu hủy hàng triệu con gà, vịt, gà tây và ngỗng, các nhà khoa học và chính phủ các nước càng lo sợ rằng nếu virus trở thành dịch bệnh đặc hữu, khả năng virus đột biến và lây sang người sẽ tăng lên.
“Đây là lý do vì sao mọi quốc gia trên thế giới đều lo lắng về dịch cúm gia cầm. Dù vậy, không có lý do gì để hoảng sợ. Chúng ta phải học hỏi từ lịch sử khi việc này đã xảy ra. Điều này lý giải cho việc vì sao chúng ta đang xem xét tiêm chủng ở mức độ toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Pháp Marc Fesneau nhấn mạnh.
Kể từ đầu năm 2022, cúm gia cầm đã tàn phá các trang trại trên khắp thế giới, dẫn đến 200 triệu con gia cầm chết vì dịch bệnh hoặc bị tiêu hủy hàng loạt, Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) thông tin.
Việc tiêu hủy hàng loạt vào năm ngoái cũng khiến giá trứng tăng vọt, góp phần gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Các nước bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine cúm gia cầm
Mexico đã bắt đầu tiêm phòng khẩn cấp vào năm ngoái, trong khi Ecuador cho biết trong tháng này, chính phủ đã lên kế hoạch tiêm phòng cho hơn 2 triệu con gia cầm khi virus lây nhiễm cho một bé gái 9 tuổi.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Pháp Marc Fesneau chia sẻ, nước này đang trên đường bắt đầu tiêm phòng cho gia cầm vào tháng 9, trước khi các loài chim di cư trở lại có thể lây nhiễm bệnh cho các trang trại.
Cùng lúc, Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2022 đã nhất trí triển khai chiến lược vaccine ở 27 quốc gia thành viên.
Brussel cũng đã bình thường hóa các quy tắc tiêm phòng cho gia cầm, sẽ có hiệu lực vào tháng tới. Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu chia sẻ với phóng viên báo Reuters rằng họ sẽ đảm bảo các sản phẩm gia cầm và gà con 1 ngày tuổi có thể được giao dịch tự do trong khối.
Trung Quốc, nơi tiêu thụ phần lớn sản lượng gia cầm trong nước đã tiêm vaccine cúm gia cầm trong gần 20 năm và đã giảm đáng kể các đợt bùng phát dịch.
Dù vậy, hiện nhà sản xuất thịt gia cầm lớn nhất thế giới là Mỹ đang cầm cự.
Dữ liệu của WOAH cho thấy, Mỹ đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên toàn thế giới trong đợt bùng dịch cúm gia cầm mới gây ra, tác động đến hơn 58 triệu con gia cầm. Tiếp theo là Canada, trong khi Pháp chịu thiệt hại nặng nề nhất ở Liên minh châu Âu (EU).
Dù vậy, nỗi sợ hãi về các hạn chế thương mại vẫn là vấn đề trọng tâm đối với các quốc gia miễn cưỡng tiêm phòng cho gia cầm.
Lý giải về điều này, mặc dù vaccine có thể hỗ trợ làm giảm tỷ lệ tử vong ở gia cầm, nhưng một số loại tuy đã được tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh và truyền bệnh.
Giới chuyên gia thông tin, cúm gia cầm cũng có thể biến đổi nhanh chóng và làm giảm hiệu quả của vaccine, trong khi các chương trình tiêm chủng lại rất tốn kém và mất thời gian, bởi mỗi mũi tiêm thường được thực hiện riêng lẻ cho từng cá thể gia cầm. Đồng thời, ngay cả khi gia cầm đã được tiêm phòng, đàn vẫn cần được theo dõi.
Philippe Gelin, Giám đốc điều hành của Tập đoàn LDC (Pháp), một trong những công ty gia cầm lớn nhất châu Âu nhận xét, do các hạn chế thương mại nên cần có các cuộc đàm phán song phương để thông quan xuất khẩu sang các thị trường có áp đặt hạn chế và tránh cạnh tranh không lành mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Pháp Marc Fesneau cho biết, Paris đang đàm phán với các đối tác thương mại ngoài EU để cho phép xuất khẩu gia cầm đã được tiêm phòng, trong khi cũng có các cuộc đàm phán song phương cấp EU với các nước ngoài khối.
Vaccine cúm gia cầm mRNA
Là một phần của chiến lược toàn EU, Pháp đang tiến hành thử nghiệm vaccine cho vịt. Bởi loài vịt rất dễ nhiễm virus và không bùng phát triệu chứng trong nhiều ngày, làm tăng nguy cơ lây truyền sang các trang trại khác.
Trong khi đó, Hà Lan đang thử nghiệm vaccine trên gà đẻ trứng, Italy cũng triển khai kế hoạch tương tự trên gà tây và Hungary trên vịt Perkin, với kết quả từ các cuộc thử nghiệm của EU dự kiến sẽ có trong những tháng tới.
Ceva Animal Health của Pháp, một trong những công ty chính đang phát triển vaccine cúm gia cầm cùng với Boehringher Ingelheim của Đức cho biết, kết quả ban đầu là “rất hứa hẹn”.
Ceva thông tin, hiện họ đang sử dụng công nghệ mRNA lần đầu tiên được sử dụng trong một số mũi tiêm phòng vaccine COVID-19 để áp dụng lên vaccine gia cầm.
Trong một thông tin có liên quan, Sylvain Comte, một quan chức tại Ceva cho hay, thị trường vaccine cúm gia cầm toàn cầu sẽ vào khoảng 800 triệu đến 1 tỷ liều mỗi năm, ngoại trừ Trung Quốc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần trước cũng cho biết rằng, mặc dù nguy cơ đối với con người do cúm gia cầm gây nên vẫn còn thấp, song các nước vẫn phải chuẩn bị cho bất kỳ sự thay đổi nào.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 gần đây đã cho thấy nguy cơ một loại virus được tìm thấy ở động vật biến đổi hoặc kết hợp với một loại virus cúm khác để lây sang người vẫn có thể xảy ra và dẫn đến đại dịch toàn cầu.
Salvat, một quan chức tại ANSES của Pháp nhận định rằng: “Không nên hoang mang, chúng ta nên cẩn thận và không để loại virus này lưu hành quá mạnh và quá lâu”.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)