Đỉnh dịch COVID-19 ở châu Âu đang qua. Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã/VOV
Chính phủ các nước cũng bắt đầu nới lỏng và gỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt để khôi phục lại cuộc sống và nền kinh tế.
Được biết, các nhà lãnh đạo trên thế giới đang tìm cách dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa, tiến đến bình thường hóa nền kinh tế, song cùng lúc cũng phòng tránh nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các bệnh nhân đã bình phục vẫn có thể tái nhiễm virus SARS-CoV-2.
Một sự thật cần được nhìn nhận là đại dịch COVID-19 đã buộc hơn 1 nửa nhân loại rơi vào tình trạng bị phong tỏa, đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 12/2019, gần 203.000 người trên thế giới đã tử vong. Trong đó, hơn một nửa là ở châu Âu. Đến nay, số ca dương tính đã hơn 2,9 triệu trường hợp.
Ở khu vực châu Âu, các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến là Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Anh. Tuy nhiên, vào cuối tuần qua, các nước này đều ghi nhận số ca tử vong mới giảm đi trông thấy. Đây là dấu hiệu cho thấy đỉnh dịch đã qua.
Cụ thể, số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày ở Anh là thấp nhất kể từ ngày 31/3, trong khi Italy và Tây Ban Nha có số ca nhiễm mới trong ngày là thấp nhất trong tháng này.
Khi tình hình bắt đầu khả quan, trẻ em Tây Ban Nha đã được dạo chơi nhiều hơn trên các đường phố ở Madrid. Một số trẻ em vẫn mang khẩu trang và găng tay để tự bảo vệ bản thân.
“Chúng cháu rất háo hức. Chúng cháu đã chơi trốn tìm, chạy đua. Chúng cháu đã tìm thấy một con rùa lạc và đặt nó giữa bầy kiến”, Ricardo – 6 tuổi nói với báo giới AFP.
Theo quy định sửa đổi, trẻ em được phép ra ngoài 1 lần/ngày trong khoảng thời gian từ 9h sáng đến 9h tối. Song các em chỉ được vui chơi trong khu vực cách nhà tối đa 1km.
Ở Thụy Sĩ, các tiệm massage, làm tóc, bán hoa... là những doanh nghiệp có thể bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 27/4.
Pháp, Italy, Đức và Brussels cũng đang xem xét dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vốn đã khiến cuộc sống của nhiều người bị đình trệ trong nhiều tuần và tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trầm trọng. Một số chính phủ đang nghiên cứu nhiều chính sách mới như “hộ chiếu miễn dịch” và xem đây là một cách hỗ trợ mọi người quay trở lại làm việc.
Hiện nay, một số quốc gia, bao gồm cả Pháp và Đức đang lên kế hoạch giới thiệu những ứng dụng xác định khu vực có người nhiễm virus và cảnh báo người dùng nơi có bệnh nhân xác nhận dương tính.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)