|
Người tiêu dùng trong một cửa hàng thuộc chuỗi bán lẻ Marks & Spencer ở Pháp, đơn vị này đang hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2040. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Bài viết cho hay, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), sự kiện quan trọng này là một lời nhắc nhở rõ ràng về vai trò then chốt mà các doanh nghiệp trên toàn thế giới có thể nắm giữ, khi cộng đồng quốc tế thúc đẩy các kế hoạch đầy tham vọng nhằm giảm lượng khí thải carbon.
Sự cấp bách này được nhấn mạnh trong một báo cáo mới của Liên hiệp quốc (LHQ), cảnh báo về mức tăng nhiệt độ dự kiến từ 2,5 - 2,9 độ C trong thế kỷ này, với chỉ 14% cơ hội mong manh để hạn chế sự nóng lên ở ngưỡng an toàn hơn là 1,5 độ C. Những phát hiện này lặp lại cảnh báo trước đó từ Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ, nhấn mạnh khả năng xảy ra hậu quả thảm khốc ngay cả khi nhiệt độ toàn cầu tăng khiêm tốn nhất ở mức 1,5 độ C.
Trong khi nhiều công ty đã cam kết giảm lượng khí thải xuống mức ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc sớm hơn…, thì rõ ràng là còn nhiều việc phải làm nếu muốn thay đổi xu hướng tăng nhiệt đó.
Một nghiên cứu gần đây do Dentsu ủy quyền, phối hợp với Công ty nghiên cứu, tư vấn và tầm nhìn thị trường Kantar đã làm sáng tỏ một giải pháp bắt nguồn từ việc thay đổi cách mọi người tiêu dùng, sinh sống, đi lại và làm việc. Khảo sát 12 thị trường châu Á - Thái Bình Dương, nghiên cứu nhấn mạnh trách nhiệm phần lớn thuộc về các doanh nghiệp và thương hiệu; trong đó, các doanh nghiệp cần hình dung lại hoạt động tiếp thị một cách triệt để, nhằm đưa tính bền vững trở thành nguyên tắc hướng dẫn.
Các thương hiệu chiếm vị trí đặc biệt trong việc tác động đến hành vi và lối sống của người tiêu dùng, cũng như định hình một câu chuyện, trong đó không chỉ tác động đến các cá nhân, mà còn thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách hướng tới việc áp dụng những chuẩn mực văn hóa và xã hội, công nghệ và cơ sở hạ tầng mới. Những hành động này phù hợp với nhận định trong báo cáo của IPCC về các chiến lược “giảm thiểu từ phía cầu”, bởi khả năng đạt được mức giảm 40 - 70% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2050, thông qua thúc đẩy thay đổi hành vi và lối sống của người tiêu dùng.
“Các nhà tiếp thị, được định vị là những tác nhân thay đổi bên trong và bên ngoài do có sự hiểu biết sâu sắc về động cơ và hành vi của người tiêu dùng, nên đóng một vai trò then chốt. Tận dụng sự hiểu biết này, họ có thể mang lại quan điểm sắc thái, dựa trên dữ liệu nhằm thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo có ý nghĩa, có lợi nhuận và bền vững, hướng đến việc thúc đẩy sự thay đổi lâu dài”, ông Rob Gilby lưu ý.