EU vừa trải qua năm 2020 đặc biệt khó khăn
Trong bức thư gửi đến toàn bộ các nước thành viên EU chiều 9/12 để thông báo về Hội nghị Thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2020, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, châu Âu bước vào những ngày cuối cùng của năm 2020 với những tin tức lạc quan liên quan đến tiến độ triển khai tiêm vaccine cho người dân tại các nước nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo ông Charles Michel, điều đó không có nghĩa là đại dịch đã chấm dứt bởi bên cạnh thách thức về y tế, châu Âu còn phải đối mặt với các thách thức to lớn về kinh tế-xã hội khi đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế khu vực vào cuộc khủng hoảng lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Do đó, bên cạnh việc thống nhất được các cơ chế chung về tiêm chủng, về xét nghiệm và về việc gỡ bỏ các hạn chế di chuyến nội khối, điều quan trọng hơn là châu Âu cần phải sớm thống nhất được về ngân sách của khối giai đoạn 2021-2027 cũng như gói phục hồi 750 tỷ euro.
Đây dự kiến sẽ là chủ đề gai góc và căng thẳng nhất tại Thượng đỉnh lần này của EU, trong bối cảnh hai nước Ba Lan và Hungary vẫn kiên quyết sẽ phủ quyết ngân sách của khối nhằm chống lại việc gắn việc phân bổ tài chính của khối với các điều kiện về nhà nước pháp quyền. Đồng thời, ngày càng nhiều nước châu Âu khác lên tiếng muốn loại bỏ Ba Lan và Hungary ra khỏi kế hoạch ngân sách sắp tới.
Hy vọng vào việc tháo gỡ bất đồng giữa hai bên giờ đây đặt nhiều vào vai trò trung gian của Đức, nền kinh tế số 1 EU và đồng thời đang là nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu. Trong ngày 9/12, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận, EU vẫn đang tìm giải pháp dung hòa được yêu cầu từ cả hai phía nhưng đây là thách thức khó khăn.
“Hồi tháng 7/2020 đã có những cuộc đàm phán rất khó khăn và ngay khi đó chúng ta đều rõ rằng vấn đề không phải là khoản tiền bao nhiêu mà là ở điều khoản về nhà nước pháp quyền, về cơ chế gắn điều kiện này với việc phân bổ tài chính. Toàn bộ những điều này giờ đây cần phải được luật hóa. Hungary và Ba Lan khi đó đã nói rõ rằng họ không thể đồng ý, và giờ đây chúng ta phải tìm cách vừa duy trì được cơ chế nhà nước pháp quyền, vừa tháo gỡ được bế tắc hiện nay”.
Do quan điểm cứng rắn từ cả phía Ba Lan, Hungary lẫn các nước muốn loại bỏ hai nước này, giới quan sát cho rằng khả năng Thượng đỉnh EU lần này tìm được thỏa hiệp là rất nhỏ. Trong trường hợp đó, Ba Lan và Hungary có thể sẽ tạm thời không được hưởng lợi từ gói phục hồi 750 tỷ euro, dự tính triển khai ngay từ đầu năm 2021, nhưng các nước còn lại của EU cũng sẽ bị đóng băng khoản tiền sẽ nhận được từ ngân sách 2021-2027 của khối, vốn dự kiến trên 1.1000 tỷ euro.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề ngân sách, các nhà lãnh đạo EU còn phải xử lý hàng loạt hồ sơ vô cùng phức tạp khác, trong đó có Brexit. Sau cuộc gặp trực tiếp với Thủ tướng Anh Boris Johnson tối ngày 9/12 tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen sẽ báo cáo cụ thể diễn biến của các đàm phán về một thỏa thuận hậu Brexit với các lãnh đạo EU để từ đó đưa ra quyết sách mới.
Tiếp đến, vấn đề khí hậu cũng sẽ là một chủ đề thảo luận quan trọng. Các lãnh đạo EU dự kiến sẽ đề ra mục tiêu mới là cắt giảm ít nhất 55% lượng phác thải các-bon tại châu lục này vào năm 2030. Cuối cùng, châu Âu nhiều khả năng sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước thềm Thượng đỉnh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố, trò chơi “đuổi-bắt” trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu đã đến lúc phải chấm dứt và châu Âu đã sẵn sàng sử dụng các công cụ của mình.
“Châu Âu đã không nhận được gì tích cực từ Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 10 đến nay mà chỉ ghi nhận được các hành động đơn phương và các thông điệp thù địch. Vì thế, như đã hứa tại Thượng đỉnh tháng 10, lần này chúng tôi sẽ bàn với 27 nguyên thủ EU về các bước đi tiếp theo. Tất nhiên chúng tôi muốn có một mối quan hệ ổn định và có thể dự báo với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chúng tôi sẵn sàng sử dụng các công cụ của mình nếu phía Thổ Nhĩ Kỳ thiếu các tín hiệu tích cực”.
Theo VOV