Binh sỹ Afghanistan và các tay súng Taliban. Ảnh: EFE-EPA/TTXVN
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các cuộc đàm phán với quân nổi dậy "đã chết trong thời điểm hiện tại", sau khi Taliban tuyên bố nhận trách nhiệm về cuộc tấn công khủng bố ở Kabul ngày 5/9, giết chết 12 người, trong đó có 1 lính Mỹ.
Các cuộc đàm phán đã tiến đến giai đoạn cuối cho một thỏa thuận, trong đó quân đội Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan sau 18 năm để đổi lấy các đảm bảo khác nhau của Taliban.
Tuy nhiên, theo nhiều người Afghanistan và các nhà quan sát quốc tế, thỏa thuận này không bao gồm lệnh ngừng bắn ngay lập tức, toàn diện, mà thay vào đó, nó được cho là đã mở đường cho việc giảm bạo lực và sau đó là các cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan.
Ông Roland Kobia - Đại sứ EU tại Afghanistan cho rằng sự thất bại của các cuộc đàm phán đã tạo cơ hội để thúc đẩy lệnh ngừng bắn, từ đó sẽ chứng minh một sự thay đổi đủ lớn ở Afghanistan để Tổng thống Trump có thể cân nhắc việc nối lại các cuộc đàm phán.
"Một lệnh ngừng bắn sẽ là một bằng chứng, một sự đảm bảo về thiện chí và sự chuẩn bị tốt cho việc bình thường hóa các mối quan hệ này", ông Kobia nói.
Về phía Taliban, lực lượng này đã kiên quyết loại bỏ lệnh ngừng bắn ngay lập tức nhưng năm ngoái họ đã đồng ý hạ vũ khí cho một thỏa thuận ngừng bắn 3 ngày.
Afghanistan hiện đang trong giai đoạn chờ đợi sau vòng bầu cử tổng thống đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/9 vừa qua. Kết quả được cho là sẽ được công bố vào cuối tuần qua nhưng đã bị trì hoãn vô thời hạn do "các vấn đề kỹ thuật", Ủy ban bầu cử độc lập cho biết.
Ông Pierre Mayaudon, người đứng đầu phái đoàn EU tại Afghanistan, nói rằng việc trì hoãn vài ngày để hoàn thiện kết quả là hợp pháp để đảm bảo số phiếu được tính một cách công bằng.
Trong khi đó, bạo lực ở Afghanistan vẫn không hề suy giảm. Hôm 18/10, ít nhất 70 người đã thiệt mạng khi một nhà thờ Hồi giáo ở tỉnh Nangarhar bị đánh bom.
BẢO NGHI (Lược dịch từ AFP)