Người dân tại thủ đô Warsaw, Ba Lan được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh minh họa: PAP/TTXVN
Theo đó, châu Âu dự định sẽ triển khai giấy chứng nhận làm bằng chứng cho thấy tình trạng tiêm chủng, kết quả xét nghiệm COVID-19 và/hoặc bằng chứng đã được điều trị khỏi bệnh của người mang loại giấy tờ này. Giấy chứng nhận sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 6, kịp thời gian cho kỳ nghỉ hè của lục địa châu Âu.
Thay đổi đầu tiên mà các thành viên của Nghị viện châu Âu yêu cầu là tên gọi của loại giấy này. Thay vì là "chứng nhận xanh kỹ thuật số", họ muốn gọi loại giấy tờ này là "chứng nhận COVID-19 của EU", để tránh bị hiểu là một loại "hộ chiếu vaccine".
Bên cạnh đó, các nghị sĩ cũng cho rằng, loại giấy tờ này "không nên được coi là giấy thông hành, cũng như không nên trở thành điều kiện tiên quyết để thực hiện quyền đi lại tự do", và chỉ nên được sử dụng trong vòng 12 tháng.
Quan điểm nói trên đã được công bố vào ngày 29/4 sau một cuộc bỏ phiếu; trong đó, 540 nghị sĩ ủng hộ, 119 nghị sĩ phản đối, và 31 nghị sĩ đã bỏ phiếu trắng.
Trong tháng 5, một cuộc thử nghiệm sử dụng giấy chứng nhận sẽ được tiến hành, trước khi sáng kiến này được triển khai trên tất cả các quốc gia thành viên EU. Các biện pháp bảo vệ sẽ được thực hiện nhằm chống lại sự giả mạo, và duy trì công tác bảo vệ dữ liệu.
Theo Ủy ban và Nghị viện châu Âu, các loại vaccine ngừa COVID-19 được chấp nhận trên toàn khối sẽ là các loại vaccine được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép. Hiện tại là những loại vaccine của BioNTech/Pfizer, Moderna, AstraZeneca, và Johnson & Johnson.
Ngoài ra, các quốc gia EU riêng lẻ có thể cho phép thêm những loại vaccine khác, như trường hợp của Hungary và một số quốc gia khác đã chọn sử dụng vaccine Sputnik V của Nga, hay các loại vaccine do Trung Quốc sản xuất.
Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP)