Một siêu thị ở Singapore. Nguồn: straitstimes.com
Bộ trưởng Công Thương Chan Chun Sing ngày 8/3 cho biết trong bối cảnh số ca nhiễm dịch COVID-19 trên toàn cầu tiếp tục gia tăng, Singapore cần phải chuẩn bị tinh thần đối phó với số trường hợp nhiễm dịch bệnh gia tăng tại nước này và có sự chuẩn bị về nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Phát biểu với giới phóng viên sau khi thăm một cơ sở nằm trong chuỗi siêu thị của Tập đoàn NTUC FairPrice, ông Chan Chun Sing đánh giá, với diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, số ca nhiễm tại Singapore tiếp tục tăng là điều có thể dự báo được.
Thực tế, tính đến hết ngày 8/3, Singapore đã có tổng cộng 150 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 30 ca là khách du lịch. Đáng chú ý, chỉ riêng trong ba ngày từ 6-8/3, Singapore có tới 33 ca nhiễm mới. Hiện tại, đã có 90 ca xuất viện, chỉ còn 60 ca nhiễm đang phải điều trị, đa phần đều tiến triển tốt. Tuy nhiên, có chín ca nhiễm trong tình trạng nghiêm trọng, phải điều trị tích cực.
Bộ trưởng Chan Chun Sing nhấn mạnh, Singapore cần phải tiếp tục điều chỉnh chiến lược chuỗi cung ứng để có thể bảo đảm nguồn cung lương thực, đồ dùng thiết yếu. Khi số ca nhiễm toàn cầu tiếp tục tăng đồng nghĩa với việc tiếp tục có những gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, Singapore cần phải đánh giá lại về mức độ dự trữ chiến lược, đồng thời đa dạng hoá nguồn cung.
Ông Chan Chun Sing lấy ví dụ, trước đây Singapore chủ yếu nhập khẩu gạo từ Thái Lan, Việt Nam, nhưng hiện nguồn cung về gạo còn đến từ Nhật Bản, Ấn Độ.
Đối với những sản phẩm nhập khẩu hoàn toàn, Singapore cần phải tiếp tục tính toán đa dạng hóa nguồn cung và gia tăng mức độ dự trữ. Đối với những sản phẩm Singapore có thể sản xuất được, chẳng hạn mỳ tôm, thì không cần phải dự trữ quá nhiều vì có thể bù đắp bằng việc đẩy mạnh sản xuất.
Các doanh nghiệp Singapore đang đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung để tăng khả năng đối phó với sự lây lan và kéo dài của dịch bệnh.
Giám đốc điều hành NTUC FairPrice, ông Seah Kian Peng cho biết tập đoàn này đang tăng dự trữ các mặt hàng thiết yếu, chẳng hạn như gạo, thịt đóng hộp, bánh kẹo, để có thể kịp thời phục vụ khi nhu cầu tăng đột biến.
Theo Vietnam+