|
Người dân tìm kiếm người sống sót dưới đống đổ nát tại Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN |
Kết thúc Hội nghị Ngoại trưởng G7 kéo dài hai ngày ở Tokyo khi lực lượng Israel tiếp tục tấn công Dải Gaza, Nhóm G7 cho biết trong một tuyên bố chung rằng Israel có quyền tự vệ, nhưng đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ dân thường và tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.
Theo tuyên bố chung, các thành viên G7 cam kết chuẩn bị các giải pháp lâu dài cho Gaza và quay trở lại tiến trình hòa bình rộng lớn hơn trong cuộc xung đột Israel - Palestine một cách “phù hợp với các thông số đã được quốc tế nhất trí”.
Các Ngoại trưởng chia sẻ quan điểm rằng “giải pháp hai nhà nước... vẫn là con đường duy nhất dẫn đến nền hòa bình một cách công bằng, lâu dài và an toàn”.
Đây là tuyên bố chung thứ hai của nhóm G7 về vấn đề này kể từ khi các tay súng thuộc nhóm chiến binh Hamas ở Palestine châm ngòi xung đột bằng cuộc tấn công vào miền nam Israel ngày 7/10, khiến 1.400 người thiệt mạng và bắt giữ khoảng 240 con tin.
Theo số liệu của các quan chức y tế trên lãnh thổ do Hamas cai trị, cuộc bắn phá của Israel vào Gaza kể từ đó đã giết chết hơn 10.000 người Palestine, khoảng 40% trong số đó là trẻ em.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa nói với các phóng viên: “Tôi tin rằng điều quan trọng là G7 có thể đưa ra thông điệp thống nhất đầu tiên như một tuyên bố liên quan đến việc tạm dừng bắn nhân đạo... xét về trách nhiệm của G7 đối với cộng đồng quốc tế”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel sẽ xem xét “các đợt tạm dừng nhỏ mang tính chiến thuật”, nhưng đã bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn mà nước này cho rằng sẽ cho phép Hamas tập hợp lại.
Theo Reuters, G7 dường như gặp khó khăn trong việc thống nhất một cách tiếp cận nhất quán, vững chắc đối với cuộc chiến ở Gaza, đặt ra câu hỏi về vai trò của khối với tư cách là một lực lượng giải quyết các cuộc khủng hoảng lớn.
Trước đó, tuyên bố duy nhất khác của G7 về xung đột Israel - Hamas được đưa ra sau cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính vào ngày 12/10 và chỉ bao gồm một số câu từ ngắn gọn.
Kế hoạch lâu dài
Tại hội nghị, các Ngoại trưởng cũng thảo luận về những gì sẽ xảy ra sau khi xung đột ở Dải Gaza lắng xuống và cách khôi phục các nỗ lực hòa bình ở Trung Đông.
Hiện Israel vẫn chưa rõ ràng về kế hoạch dài hạn của mình đối với Gaza. Trong một số bình luận trực tiếp đầu tiên về chủ đề này, Thủ tướng Netanyahu cho biết trong tuần này rằng Israel sẽ tìm cách chịu trách nhiệm về an ninh đối với Gaza “trong một thời gian không xác định”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen nói với tờ Wall Street Journal rằng Israel muốn vùng lãnh thổ này nằm dưới sự quản lý của một liên minh quốc tế, bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia có đa số người Hồi giáo, hoặc do các nhà lãnh đạo chính trị Gaza quản lý.
Các nhà ngoại giao ở Washington, LHQ, Trung Đông và nhiều nơi khác cũng đã bắt đầu cân nhắc các lựa chọn.
Các cuộc thảo luận bao gồm việc triển khai một lực lượng đa quốc gia tới Gaza sau xung đột, một chính quyền lâm thời do người Palestine lãnh đạo sẽ loại trừ các chính trị gia Hamas, vai trò quản lý và an ninh tạm thời cho các quốc gia Ả Rập láng giềng và sự giám sát tạm thời của LHQ đối với lãnh thổ, Reuters đưa tin.
Phát biểu sau cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Gaza không thể nằm dưới sự kiểm soát của Hamas hoặc Israel. “Giờ đây, thực tế là có thể cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp nào đó khi xung đột kết thúc...”, ông nói.
Ngoại trưởng Blinken cũng cho biết hòa bình bền vững phải liên quan đến việc thống nhất Dải Gaza và Bờ Tây do Chính quyền Palestine quản lý và không được buộc người Palestine phải di dời khỏi Gaza, cũng như không được thu hẹp lãnh thổ của khu vực này.