Thế giới

LHQ kêu gọi 294 triệu USD hỗ trợ “nhu cầu khẩn cấp” cho Dải Gaza và khu Bờ Tây

ClockThứ Sáu, 13/10/2023 17:28
TTH.VN - Liên Hiệp Quốc hôm qua (12/10) đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp 294 triệu USD để giải quyết “những nhu cầu cấp thiết nhất” ở Dải Gaza và khu Bờ Tây bị chiếm đóng, nơi hơn 400.000 người Palestine đã phải rời bỏ nhà cửa trong những ngày gần đây.

LHQ: Cần hành động lập tức để ngăn chặn xung đột Israel-Hamas lan rộngLãnh đạo Mỹ và Ai Cập thảo luận về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza

Nhiều toà nhà bị san bằng sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 9/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN 

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ nói rằng số tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ hơn 1,2 triệu người, đồng thời cho biết thêm rằng giao tranh gần đây trong khu vực đã khiến các nhóm viện trợ không có đủ nguồn lực.

Cuối tuần trước, các tay súng Hamas tràn vào các thị trấn nhỏ và một lễ hội âm nhạc ở Israel, giết hại hơn 1.200 người và bắt khoảng 150 con tin. Israel đã trả đũa bằng các cuộc không kích và pháo kích vào Dải Gaza - khu vực với khoảng 2,3 triệu dân,  san bằng nhiều tòa nhà và làm hơn 1.400 người thiệt mạng, nhiều người trong đó là dân thường.

OCHA nêu rõ, nhu cầu nhân đạo cộng với căng thẳng leo thang từ tháng 5/2023 ở Dải Gaza và tình hình ngày càng xấu đi ở Bờ Tây “đã khiến các tổ chức nhân đạo không có nguồn lực cần thiết để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của những người Palestine dễ bị tổn thương”.

Trước đây, LHQ ước tính sẽ cần 502 USD để tài trợ cho các hoạt động hỗ trợ 2,1 triệu người Palestine trong năm 2023, nhưng các khoản tài trợ nhận được hiện chưa tới 50%.

Được biết, gần 60% hộ gia đình ở Gaza đã được coi là mất an ninh lương thực từ trước khi các cuộc xung đột mới bắt đầu.

Theo số liệu của OCHA, tính đến cuối ngày 12/10, số người phải di dời ở Dải Gaza đã tăng hơn 84.400 người, lên tới hơn 423.300 người.

OCHA cho biết, sau khi Israel tấn công cơ sở hạ tầng nước và ngừng cung cấp nước cho khu vực này kể từ ngày 8/10, “hầu hết cư dân ở Dải Gaza không còn được tiếp cận với nước uống từ các nhà cung cấp dịch vụ hoặc nước sinh hoạt qua đường ống”. Tình trạng này khiến “một số người đã bắt đầu uống nước biển”, báo cáo của UNICEF cho hay.

Ngoài ra, “các cơ sở y tế bị quá tải, nguồn cung y tế thiếu hụt và khả năng tiếp cận bệnh viện cũng như các cơ sở chăm sóc y tế bị cản trở do tình trạng xung đột đang diễn ra và đường sá bị hư hỏng”.

Dải Gaza cũng là nơi sinh sống của khoảng 50.000 phụ nữ mang thai, và 5.500 thai phụ trong số đó sắp sinh con vào tháng tới. Theo OCHA, đây là “những người đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu khi nhân viên y tế, bệnh viện và phòng khám bị tấn công”.

Vào cuối ngày 12/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng các bệnh viện ở Dải Gaza đang đến “ngưỡng nguy hiểm” khi các bệnh viện chỉ có điện vài tiếng mỗi ngày và buộc phải sử dụng nguồn nhiên liệu dự trữ đang cạn kiệt để duy trì “các chức năng quan trọng nhất” tại các khu điều trị đã chật kín bệnh nhân.

WHO cho biết thêm rằng, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cấp trang thiết bị y tế đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng, làm hạn chế khả năng ứng phó của các bệnh viện.

Song song đó, nhiều nhà hoạt động nhân đạo cũng lên tiếng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại khu vực này và người dân nơi đây đang phải đối mặt với “nguy cơ chết đói không thể tránh khỏi”.

Trong khi phần lớn trọng tâm đang tập trung vào Dải Gaza thì “tình hình ở khu Bờ Tây vẫn căng thẳng” với các cuộc đối đầu giữa quân đội và người Palestine, và việc đóng cửa trên diện rộng được áp đặt xung quanh các thành phố ở khu Bờ Tây đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của người dân, OCHA cho hay.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nền kinh tế Gaza có thể phải mất nhiều thập kỷ để phục hồi

Trong một báo cáo mới được công bố, Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc UNCTAD cho biết, xung đột ở Dải Gaza đang gây ra mức độ tàn phá chưa từng có đối với nền kinh tế và vùng lãnh thổ này sẽ cần đến hàng chục tỷ USD và nhiều thập kỷ để có thể phục hồi.

Nền kinh tế Gaza có thể phải mất nhiều thập kỷ để phục hồi
Tháp đồng hồ Big Ben kỷ niệm 100 năm phát sóng tiếng chuông mừng năm mới

Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người dân thủ đô London, Anh vẫn thường đón chờ tiếng chuông quen thuộc từ tháp đồng hồ Big Ben. Đặc biệt, ngày 31/12 năm nay đánh dấu tròn 100 năm ngày tiếng chuông mừng năm mới từ tháp đồng hồ nổi tiếng này được phát sóng trực tiếp trên toàn thế giới.

Tháp đồng hồ Big Ben kỷ niệm 100 năm phát sóng tiếng chuông mừng năm mới
Return to top